11h30 phút ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam- VOV chính thức ra đời với chương trình phát thanh đầu tiên là truyền đi bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chủ tịch đọc ngày 2/9/1945, và đồng thời cũng ngày này, Đài phát sóng chương trình đầu tiên bằng tiếng Pháp, Anh, Quảng Đông, như một sự bắt đầu hoạt động của “mặt trận” ngoại giao trên sóng radio của Việt Nam ra thế giới.
Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ, VOV- kênh phát tiếng nước ngoài là một “mặt trận” thực thụ, góp phần không nhỏ vào những chiến thắng của quân và dân ta trong các chiến dịch, hay trong các cuộc đàm phán hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự có mặt của quân đội Pháp- Mỹ ở Việt Nam.
|
Cán bộ phóng viên, biên tập viên Hệ Phát thanh đối ngoại- Đài TNVN và các chuyên gia nước ngoài- Ảnh chụp năm 1963. (Ảnh minh họa: KT) |
Khẳng định quốc gia Việt Nam độc lập, tự do với thế giới.
5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, VOV đã chính thức được thành lập. Hệ Phát thanh đối ngoại quốc gia cũng từ ngày này chính thức “tác chiến” như một “mặt trận” không kém phần quan trọng, giới thiệu một quốc gia Việt Nam: Độc lập- Tự do ra toàn thế giới.
Ngay những ngày đầu, kênh đối ngoại của VOV đã phát các chương trình bằng tiếng Pháp, Anh, Quảng Đông. Tiếp theo là tiếng Bắc Kinh, Quốc tế ngữ (Esperanto), những ngôn ngữ có ảnh hưởng rộng với thế giới. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, phát sóng thêm tiếng Lào, để thắt chặt thêm tình hữu nghị với bạn Lào trong cuộc kháng chiến.
Những năm kháng chiến chống Mỹ (1955-1975), phát sóng thêm các ngôn ngữ Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Campuchia, Triều Tiên. Các chương trình tiếng nước ngoài với nhiều ngôn ngữ được phát trên VOV phủ sóng hầu khắp các châu lục, đưa tiếng nói đại diện của quốc gia Việt Nam đến bè bạn quốc tế.
Ngay từ những ngày đầu, chính VOV đã là “trợ thủ” đắc lực cho Chính phủ Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với một số quốc gia lớn và các tổ chức quốc tế tiến bộ. Tháng 10/1945 Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới (WFDY) được thành lập tại London, Vương quốc Anh, với mục tiêu góp phần duy trì hòa bình và tăng cường tình đoàn kết giữa thanh niên và nhân dân thế giới, thì cuối năm 1946, Liên đoàn thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới.
Thu- Đông năm 1947, Xứ Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ đã cử một đoàn đại biểu thanh niên dự Hội nghị Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới, tại Calcutta. Thông qua VOV, mang thông tin đến bè bạn quốc tế, nói về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập, tự do của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Thông qua những chương trình phát sóng tiếng Pháp- Anh- Esperanto… các đoàn đại biểu thanh niên- sinh viên Việt Nam trên diễn đàn của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới qua những kỳ đại hội năm 1949 tại Budapest (Hungarie), năm 1951 tại Berlin (CHDC Đức- cũ), 1953 tại Bucarest (Rumanie) đã góp phần cho thế giới hiểu rõ về cuộc kháng chiến chính nghĩa của quân và dân Việt Nam chống thực dân Pháp.
Thấy rõ tính nhân đạo của nhân dân và nhà nước ta làm cho các bạn thanh niên Pháp hiểu thanh niên và nhân dân Việt Nam, hiểu chính sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân biệt rõ giữa Chủ nghĩa thực dân Pháp và nhân dân cũng như thanh niên Pháp, từ đó càng đồng tình và ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài nhiệm vụ động viên kịp thời và có hiệu quả quân dân ta anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, VOV còn là một kênh thông tin quan trọng, thiết yếu, tuyên truyền cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc, vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ; Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế; cô lập, phân hóa kẻ thù, góp phần thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.
Một mặt trận uy lực trăm trận trăm thắng
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ, VOV ngoài những nhiệm vụ trong nước còn mang sứ mệnh đặc biệt, tham gia “tác chiến” như một mặt trận ngoại giao với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Từ những chương trình tuyên truyền binh vận, địch vận, đánh bại những âm mưu chiến tranh tâm lý của đối phương đến những chương trình đưa thông tin trực tiếp đến đối phương để gây áp lực tâm lý, nhất là khi các bên ngồi trên bàn đàm phán Hiệp định chấm dứt chiến tranh.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, VOV phát sóng chương trình cho binh lính Pháp, gây xáo trộn tâm lý, mất tinh thần chiến đấu… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, VOV là một “mặt trận” trăm trận trăm thắng, với nhiều chiến thuật, chiến lược đưa thông tin đối ngoại để tranh thủ quốc tế và cũng làm xao động đối phương. Nổi tiếng nhất là chương trình dành cho bính lính Mỹ với phát thanh viên huyền thoại Trịnh Thị Ngọ- Hannah Hà Nội Việt Nam.
Không thể quên được sự kiện, qua thông tin từ VOV, năm 1964, biết được chính quyền Sài Gòn xử tử chiến sĩ biệt động Sài Gòn- Gia Định Nguyễn Văn Trỗi khi dự định đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara, du kích Caracas- Venezuela đã bắt cóc đại tá Michael Smolen, tùy viên quân sự Mỹ, nhằm đổi mạng.
Từ những thông tin được VOV truyền ra thế giới, về việc quân đội Mỹ có mặt ở Việt Nam, qua những cuộc càn quét, bỏ bom, pháo kích, đốt phá… gây bao nhiêu cảnh tang tóc cho dân lành, ngày 12/11/1965, một công dân Mỹ tên Norman Morrison đã tự thiêu ngay tại Thủ đô Washington để phản đối việc chính phủ Mỹ đưa quân đội vào Việt Nam đã gây xôn xao cả nước Mỹ.
Mậu Thân năm 1968, VOV, kênh thông tin qua sóng phát thanh của Việt Nam, cả thế giới biết đến một danh từ- động từ : TẾT! Cuộc tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân đã làm nhân dân nước Mỹ thức tỉnh, biết bị chính phủ Mỹ lừa dối về cuộc chiến tranh ở Việt Nam…
Và sau đó là hàng loạt phong trào phản chiến không chỉ ở binh lính Mỹ mà còn của nhân dân Mỹ, thậm chí một ban nhạc Mỹ The Beatle cũng trở thành nổi tiếng thế giới từ slogan phản chiến “Make love, Not war”.
Tháng 8/1968, Chương trình phát thanh dành cho người Việt Nam ở xa Tổ quốc được bắt đầu vào 24h (giờ Hà Nội), mở rộng kênh thông tin đến kiều bào, tranh thủ một lực lượng không nhỏ, chuẩn bị cho cuộc chiến đàm phán Hiệp định Paris bắt đầu từ tháng 5/1968.
Đêm 18/12/1972, mở đầu chiến dịch “Linebacker 2” nhằm “đè bẹp Việt Nam, buộc Hà Nội phải chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ trên bàn đàm phán Hiệp định hòa bình…”, Mỹ đã đưa máy bay chiến lược “Pháo đài bay” B.52, máy bay cường kích chiến thuật “Tàng hình- cánh cụp cánh xòe” F111A hiện đại nhất của Không lực Mỹ, cùng hàng trăm máy bay tiêm kích các lọai, mang hàng chục ngàn tấn bom phá, bom sát thương, rocket… thảm sát, hủy diệt Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận.
24h Hà Nội đêm 18/12/1972, các nhà báo phương Tây và báo chí Việt Nam đã dự một cuộc họp báo lịch sử tại Câu lạc bộ Quốc tế giữa lòng Hà Nội trong tiếng ầm ầm của bom rền đạn nổ… Qua VOV, cả thế giới biết Mỹ sử dụng B.52 mang bom hủy diệt Thủ đô và thất bại trên bầu trời Hà Nội. Cả nước Mỹ rúng động, bàng hoàng cũng như nức lòng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Buổi họp báo là “đòn” tử huyệt tâm lý của Việt Nam trên bàn đàm phán Hiệp định Paris. Sau đó, trong 12 ngày đêm, VOV trên các chương trình tiếng nước ngoài phát thông tin liên tiếp bắn rơi B.52, tạo áp lực gần như tuyệt đối, gây ra sự phản đối sâu rộng trong lòng nước Mỹ, buộc chính phủ Mỹ và chính phủ Sài Gòn lúc đó phải ký vào Hiệp định hòa bình- Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
|
Các phóng viên, biên tập viên và chuyên gia chương trình VOV Korean chính thức lên sóng ngày 7/9/2018. |
Sau chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, VOV chuyển hướng “mặt trận” ngoại giao, giúp mang hình ảnh một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, “làm bạn với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ” ra thế giới. Cùng với thế giới xây dựng một cộng đồng quốc tế hữu nghị, thân thiện, hiểu biết để phát triển và vững mạnh.
Đúng vào ngày kỷ niệm 73 năm buổi phát sóng đầu tiên 7/9/1945- 7/9/2018, VOV chính thức lên chương trình tiếng Hàn Quốc, để nối dài rộng thêm tình hữu nghị giữa các quốc gia trong châu lục và thế giới.
Hình ảnh Việt Nam hiện nay có một vị thế lớn trong mắt bạn bè quốc tế có công không nhỏ của VOV, một đại sứ ngoại giao đặc biệt của Việt Nam