(VOV5) - Đối với nhà báo, mạng xã hội không chỉ là công cụ chia sẻ, tiếp nhận thông tin mà còn là phương tiện tác nghiệp và cũng là nơi để kiểm chứng thông tin.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: vietnamjourney
|
Sáng 25/3, tại Trung tâm phát thanh Quốc gia 58 Quán Sứ, Hà Nội, Đoàn cơ sở Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hội thảo định hướng thông tin và dư luận xã hội trong môi trường truyền thông số.
Tại hội thảo, các đoàn viên, thanh niên Ban thời sự VOV1 được nghe chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế mà những người làm báo trong nước và nước ngoài gặp phải khi đưa thông tin mà chưa kiểm chứng tin đồn trên mạng xã hội, internet.
Mạng xã hội đang ngày càng phát triển, bên cạnh đó nhu cầu và điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng ngày càng tăng. Người dân không chỉ đọc trên báo chí chính thống mà cả trên mạng xã hội. Đối với nhà báo, mạng xã hội không chỉ là công cụ chia sẻ, tiếp nhận thông tin mà còn là phương tiện tác nghiệp và cũng là nơi để kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng những tin đồn trên mạng xã hội, internet để chuyển thành bài báo mà không có kiểm chứng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, cho biết: “Nhiều nhà báo khai thác nhiều thông tin vì lý do nào đó cơ quan báo chí chưa cho đăng tải thông tin, mà chúng ta tại đưa thông tin đó trên mạng xã hội thì không được, bởi những thông tin viết trên mạng xã hội với vai là một nhà báo thì người ta sẽ hiểu hàm ý những thông tin đó của nhà báo nói ra. Vì vậy, khi thông tin khai thác ra mà để phục vụ cho tác nghiệp mà cơ quan báo chí chưa sử dụng mà chúng ta đăng tải trên mạng, chắc chắn thông tin đó không được, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cơ quan và bản thân nhà báo”.