Nhà báo Lê Quý - cây cổ thụ của phát thanh đối ngoại

(VOV5) - Nhà báo Lê Quý là một trong những người đầu tiên làm công tác tuyên truyền đối ngoại.

Nhà báo Lê Quý, nguyên Trưởng ban đầu tiên của Ban biên tập Đối ngoại Đài TNVN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam là một trong những nhà báo đầu tiên làm công tác tuyên truyền đối ngoại.

Dùng thông tin của địch để đánh địch

Lê Quý sinh ra và lớn lên tại Huế.  Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông đang học tại trường Quốc học Huế, hệ tú tài. Lúc ấy phong trào học sinh, sinh viên phát triển mạnh, Lê Quý được giác ngộ đầu quân vào Ban Thông tin liên lạc giải phóng quân.


nha bao le quy - cay co thu cua phat thanh doi ngoai hinh 0


Sau Cách mạng tháng Tám, tháng 4/1946, ông Lê Quý được ông Trần Văn Chương (Billy Chương), người rất giỏi tiếng Anh dẫn ra Hà Nội giới thiệu vào làm tại Đài TNVN. Lê Quý chỉ giỏi tiếng Pháp nên ông Trần Văn Chương dạy thêm cho ông tiếng Anh.

“Dù lúc đó, tôi chưa hiểu nhiều về Cách mạng, về tuyên truyền đối ngoại nhưng được vào làm việc tại Đài TNVN tôi phấn khởi lắm” - ông Lê Quý chia sẻ.

Ông Lê Quý nhớ lại: Nhiệm vụ của những người làm thông tin đối ngoại lúc đó là thông tin đầy đủ, chính xác về chủ trương kháng chiến trường kỳ của Đảng và Nhà nước ta tới bạn bè quốc tế; chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ tới kiều bào ta ở nước ngoài, và đặc biệt là những bài bình luận được viết nhanh để đập lại những luận điệu của kẻ thù xuyên tạc sự thật cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta...

Cả khi Đài sơ tán lên chiến khu Việt Bắc, dù ở Tuyên Quang hay Bắc Cạn, khó khăn là thế nhưng anh em vẫn phân công nhau nghe đài địch để lấy thông tin với chủ trương “Dùng thông tin của địch để đánh lại địch”.

Và trong sự gian khổ ấy vẫn sáng lên những cây bình luận quốc tế sắc sảo như: Trần Lâm, Trần Kim Xuyên,  sau này là các ông: Trần Văn Giàu, Hoài Thanh, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Tư Huyên... Những bài bình luận vừa viết xong lập tức được dịch sang các thứ tiếng Anh, Pháp, Bắc Kinh, Quảng Đông, Lào, Campuchia và kịp thời phát sóng. Đặc biệt, anh Trần Công Tường và anh Trần Văn Chương viết thẳng bình luận bằng tiếng Anh và tiếng Pháp làm điên đầu bọn Pháp ở Hà Nội và chính quốc...

Bài học từ lời dạy của Bác

Với Lê Quý, thành công của phát thanh đối ngoại thời kỳ đó ngoài sự nỗ lực của anh chị em, còn có sự quan tâm của cấp trên, đặc biệt là Bác Hồ. Ông nhớ lại: “Bác là người am hiểu tác dụng của tuyên truyền đối ngoại. Dù trong điều kiện kháng chiến bận rộn, nhưng hôm nào Bác cũng nghe Đài TNVN. Trong buổi phát thanh có gì không đúng, Bác viết một tờ giấy nhỏ bằng mực đỏ gửi cho Đài nhận xét, rút kinh nghiệm và chỉ đạo luôn”.

Ông Lê Quý kể câu chuyện: Năm 1946, 1947 một số nơi ở Pháp bị lụt lớn. Các đài của Pháp đưa tin người dân Pháp bị thiệt hại nặng, có nơi thiếu đói. Chúng tôi lập tức đưa đầy đủ tin này với những từ có vẻ phấn khởi, đại ý rằng: “Mang bom đạn đi đánh người khác, thì trời có tha đâu. Đáng đời quân xâm lược”.

Hôm sau chúng tôi nhận được tờ giấy của Bác viết: “Các chú đưa tin thế này là không tế nhị. Quân đội Pháp xâm lược nước ta, chứ không phải nhân dân Pháp. Nhân dân Pháp bị thiên tai như vậy ta phải đồng cảm, chứ tỏ ra vui mừng như vậy là không được”. Ông Lê Quý cho rằng, đó là bài học đắt giá và theo ông suốt những tháng ngày làm công tác tuyên truyền đối ngoại.

Làm đối ngoại phải giỏi ngoại ngữ, hiểu đối tượng

Sau năm 1954, Đài TNVN phát triển bộ phận phát thanh tiếng nước ngoài thành Ban Biên tập Đối ngoại, Lê Quý được cử làm Trưởng ban. Lê Quý cùng tập thể anh chị em Ban Đối ngoại tổ chức các chương trình phát thanh khiến kẻ thù phải khiếp sợ.


Hỏi vì sao Đài làm được điều thần kỳ đó? Ông trả lời: “Do sự chỉ đạo sát sao của cấp trên và sự cố gắng của anh em. Lúc đó đài đã phát 12 thứ tiếng nước ngoài, chiến tranh khiến nhiều đơn vị phải sơ tán khỏi Hà Nội... Để làm tốt công tác đối ngoại, chúng tôi đã phải cơ động rất nhiều. Càng những lúc Mỹ ném bom Hà Nội, chúng tôi càng đọc tin, bình luận... đanh thép hơn để kẻ thù biết sức mạnh Việt Nam, còn nhân dân thế giới hiểu và chia sẻ với Việt Nam nhiều hơn”.

Trong số các chương trình ngày ấy có chương trình phát thanh Mỹ vận bằng tiếng Anh phát chủ yếu vào hàng ngũ binh sĩ Mỹ tại Sài Gòn và cả bên Mỹ (nhờ đài phát sóng Habana của Cuba) đã phát huy được tác dụng nhờ “đưa đài phát thanh Việt Cộng tới tận giường ngủ của lính Mỹ”.

“Muốn đánh địch phải hiểu địch. Muốn có bình luận, bài viết đi vào lòng địch thì phải hiểu tâm lý của họ. Chỉ từ một mẩu tin trên đài của họ có thể suy luận ra nhiều điều... Có lẽ thời thế đã tạo cho chúng tôi sự sáng tạo ấy” - ông nói.

Khi được hỏi  kinh nghiệm về công tác phát thanh đối ngoại, ông chia sẻ: “Mỗi thời một khác, nhưng cái quan trọng nhất của người làm tuyên truyền đối ngoại là phải giỏi ít nhất một ngoại ngữ và biết thêm vài thứ tiếng. Thành thạo đến khi nào chúng ta dùng ngoại ngữ như dùng chính tiếng Việt để viết bài, bình luận thì mới ổn.

Thứ nữa là phải tìm hiểu đối tượng. Chỉ khi nào hiểu được đối tượng cần gì thì mới đáp ứng được nhu cầu của họ. Người làm đối ngoại cũng phải hiểu và yêu văn hóa dân tộc mình mới có thể giới thiệu một cách trọn vẹn cho người nước ngoài hiểu và yêu văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Năm tháng qua đi, cậu học trò xứ Huế năm nào nay đã gần 90 tuổi. Với ông, Đài TNVN là ngôi nhà thứ hai và Ban Biên tập Đối ngoại là nơi có những người anh em ruột thịt.

Phản hồi

Các tin/bài khác