Đó là vào khoảng cuối năm 1990, tôi là một phóng viên trẻ của Phòng chương trình Công nghiệp và Thương mại thuộc Ban Biên tập Chuyên đề, lần đầu tiên tôi mang chương trình phát thanh do chính mình làm đi trình duyệt.
Trưởng ban Ban Chuyên đề lúc đó - một người đàn ông hơi xương xẩu, vầng trán cao ngược lên nhưng trông có vẻ hơi cũ, chỉ ngẩng lên, cầm văn bản giở giở loạt xoạt loạt xoạt, lướt nhoàng cái rồi hạ bút ký vèo rồi đưa trả lại, chữ ký có nét đuôi dài như múa.
Tôi hơi chút hẫng hụt. Có nghĩa là những chăm chút suy nghĩ đầu tư cho câu chữ dẫn dắt bài, những hào hứng sáng tạo cho kết cấu mới của một chương trình phát thanh của tôi đã chẳng được Sếp để mắt tới.
|
Nhà báo Trần Ngọc Thụ (trái) và một đồng nghiệp trẻ ở VOV |
Tuy vậy tôi lấy hết can đảm, cố hỏi thêm: Dạ, chương trình của cháu có ổn không hả chú. Sếp không ngẩng đầu lên, chỉ gọn lỏn: “Nhất định”, rồi vẫn tiếp tục đắm đuối vào viết lách gì đó trên bàn!
Tôi hơi buồn nhưng cũng thôi, rồi mang văn bản sang Trung tâm âm thanh để dàn dựng. Lúc trở về, đi ngang phòng ông sếp xương xẩu, tình cờ ông nhìn thấy, vẫy tay gọi tôi vào và bảo “ Này, cậu làm thế được đấy, tớ đã bảo phải làm như thế từ cách đây 20 năm rồi.” (Ở đơn vị tôi lúc bây giờ, sếp hay gọi tất tật cấp dưới là cậu và xưng là tớ, cho dù đấy là nam hay nữ trẻ hay không còn trẻ).
Rồi trước sự ngạc nhiên của tôi, sếp nói rất chi tiết về một số từ ngữ và cái cách mà tôi đã dùng trong chương trình để dẫn dắt, giới thiệu các tin bài với thính giả. Ô, hóa ra lướt nhoằng một cái như thế của sếp không phải chỉ là lướt nhoằng đơn giản thế đâu. Nhoằng thế mà biết hết, biết tất tần tật đấy ạ.
Sau này tôi biết thêm, ngoài chuyện lướt văn bản tý mà nắm được hết thế là chuyện bình thường của sếp thì có câu nói quen thuộc mà không hề cũ của vị trưởng ban của mình là “cái này tớ đã nói cách đây 20 năm rồi”. Quả thật, những vấn đề kinh tế xã hội mà sếp bảo đã nói từ 20 năm trước nay kể cho phóng viên chúng tôi đều trúng phóc những vấn đề hiện thời của nền kinh tế.
|
Nhà thơ- nhà báo Trần Ngọc Thụ- Trưởng ban biên tập chuyên đề và nhà báo Đoàn Quang Long- trưởng Ban Thời sự Đài TNVN |
Trở lại chuyện cái lần đầu tiên tôi trình sếp duyệt chương trình đổi mới cách làm. Sau khi “cậu làm được đấy” và phân tích về từ ngữ báo phát thanh trong chương trình, sếp chuyển ngay sang chuyện sử dụng từ ngữ ấy vào ngôn ngữ của … thơ. Và khi nói đến thơ, khuôn mặt ngỡ như là cũ cũ ấy rạng rỡ sinh động đầy hóm hỉnh và trẻ thơ đến không ngờ.
Hồi chưa về Đài TNVN, tôi đã biết và thích mê bài hát Em vẫn như ngày xưa do ca sĩ Thanh Hoa thể hiện được phát trên Đài TNVN. Một thời gian dài và cho đến tận bây giờ, thính giả nghe đài và người yêu văn nghệ hầu như đều biết đến bài hát đi cùng năm tháng “Em vẫn như ngày xưa” với ca từ ngọt ngào e ấp của Trần Ngọc Thụ được nhạc sĩ Lê Đình Lực phổ bằng những nốt nhạc trong veo, luyến láy “Dù thời gian chia phôi, dù đường dài xa xôi, em vẫn như ngày xưa, mến yêu anh trọn đời…”. Về Đài TNVN, tôi mới biết được rằng cái ông sếp trông có vẻ già già cũ cũ chậm chậm kia lại là tác giả thơ của bài hát tình yêu tươi trong ấy. Vì thật ra sếp chẳng già già chậm chậm cũ cũ tý nào, nhìn tưởng thế thôi nhé.
|
Với bạn thơ Hồng Diệu |
Tôi có trong tay 8 cuốn thơ của nhà báo nhà thơ Trần Ngọc Thụ, trong số hơn chục tập mà ông đã xuất bản. Tôi thích nhiều bài thơ tình của ông, và thích những bài thơ về quê hương, về những con người và cuộc sống nơi miền quê dù nhiều bài thấy buồn đến hoang hoải, kiểu như sau 30 năm mà quê ông vẫn là hình ảnh thắt lòng “Ông lão dong trâu đi bừa, là con ông lão ngày xưa đi cày”. Tôi đã từng dằn vặt khổ tâm và buồn bã khi đọc bài thơ “Con đường hàng tỉnh” đó của Trần Ngọc Thụ.
Là nhà báo, Trần Ngọc Thụ có những góc nhìn sắc sảo, những phát hiện tinh tường về hiện thực và cả tương lai cuộc sống. Rồi ông mang những góc nhìn đầy thực tế tươi sáng hy vọng hay đầy phũ phàng ấy vào thơ một cách tự nhiên, tài tình và đầy bất ngờ, gây những cảm xúc tận cùng cho người đọc, và tôi là một trong những người đọc thơ ông như thế. Thế nhưng lỡ trong nghiệp vụ có xảy ra sai sót gì, sếp luôn trấn an đám phóng viên chúng tôi bằng câu nói “chẳng có gì quan trọng cả” khiến cho trong mọi trường hợp chúng tôi đều có thể lấy lại bình tĩnh. Nói vậy thôi chứ sau đó mọi chuyện đều được chỉ bảo rất rành mạch.
Ngay cả những câu thơ tình ngẫu hứng hàng ngày của ông không những thỏa mãn một phần nhu cầu làm thơ của ông mà còn mang lại niềm vui bình luận, đồn đoán ranh ma cho đám phóng viên chúng tôi. Nhiều khi một tứ nhỏ vui cũng khiến ông có những câu thơ đặc biệt. Có cô gái đánh máy chữ xinh đẹp mượt mà trong đơn vị đi dự đám cưới cất trong túi ngực mang về tặng sếp điếu thuốc lá (hồi đó yêu quý lắm mới làm vậy đấy), sếp nheo nheo mắt đọc “Moi từ trong ngực em ra/Con con một mẩu gọi là tặng anh” khiến cô đánh máy mặt đỏ dừ còn chúng tôi được phen cười sướng.
|
Hóa ra ông là người rất hóm hỉnh! |
Trần Ngọc Thụ là người chẳng bao giờ nặng lời hay ghét bỏ ai đó trong đám cán bộ phóng viên của ông. Đã nói trông ông có vẻ cũ cũ nhưng luôn ủng hộ những cái mới. Có lần tôi đi họp báo về một sự kiện nóng, về đến cơ quan đã là gần cuối buổi chiều, vào trình bày xin viết bài thay vào chương trình sáng mai, sếp đồng ý ngay lập tức và bảo sẽ ngồi lại chờ bài của tôi.
Xin nói thêm, vào hồi đó, theo quy định để đảm bảo an toàn cho làn sóng đài quốc gia, mỗi chương trình phát thanh đều phải được soạn và thu thanh, pha âm trước ngày phát sóng vài ngày, có khi cả tuần nên thay đổi bài như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến toàn bộ dây chuyền sản xuất chương trình, từ đánh máy (hồi đó là đánh máy chữ), cho đến phát thanh viên đọc, đến phòng thu, người thu in vào băng, thay đổi giao nhận phát sóng ….Mà tóm lại việc thay đổi kiểu thế sẽ làm rối mọi chuyện và hồi đó hầu như chưa ai dễ chấp nhận cách làm vậy. Vậy mà sếp “già già cũ cũ” Trần Ngọc Thụ đồng ý và khuyến khích làm ngay.
Quả thật vụ này ngay hôm sau tôi bị một đồng nghiệp lớn hơn – người chủ nhiệm chương trình bị tôi thay bài (giấu sếp) mắng cho một trận te tua, thậm chí còn bảo rằng tôi tỏ vẻ, chơi trội. Tôi cũng bực nhưng mặc kệ, vẫn thật sung sướng và biết ơn sếp Thụ. Quan trọng hơn sếp đã cho bọn phóng viên trẻ chúng tôi một bước ngoặt, bắt đầu được đổi mới, được thể hiện dấu ấn cá nhân trong hoạt động báo chí.
Quả là vấn đề đã được nhìn ra từ 20 năm trước rồi./.