Sau khi tu nghiệp âm nhạc xuất sắc ở Moscow (Nga) về nước, Đỗ Hồng Quân bắt đầu lan tỏa năng lực nghề nghiệp của mình trong ba lĩnh vực: Sáng tác, chỉ huy và dàn dựng dàn nhạc, dạy sáng tác. Hai địa chỉ mà Đỗ Hồng Quân thường xuyên làm việc là nhà hát Tuổi trẻ và Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam (lúc đó còn gọi là Nhạc Viện Hà Nội). Nhưng bước qua thế kỷ mới, Đỗ Hồng Quân lại có một giai đoạn 5 năm là trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, một công việc mà anh thường nói là như là trả nghĩa cho cha mình khi mà hàng ngày vẫn lan trên làn sóng điện nhạc hiệu “Giải phóng Điện Biên” của “ông cụ”.
|
Từ trái sang: NSND Phạm Anh Phương, Biên đạo múa Tuyết Minh,
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và BTV Ánh Quyên tại phòng thu Đài TNVN.
|
Ban Âm nhạc Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam là một đơn vị hành chính nằm trong phòng Văn nghệ của Đài. Một thời dài trước khi Đỗ Hồng Quân làm Trưởng ban do nhiều nhạc sĩ tên tuổi phụ trách như: Phạm Tuyên, Lê Lôi, Cầm Phong, Vũ Thanh, Thuận Yến, Cát Vận…Bài hát đầu tiên tôi thu thanh ở Đài “Qua cầu hàm Rồng” là do nhạc sĩ Vũ Thanh ký duyệt. Nhưng có vẻ như trong thế kỷ cũ, Ban Âm nhạc vẫn mang nặng tính chất của một đơn vị hành chính nhiều hơn là đơn vị nghệ thuật.
Khi Đỗ Hồng Quân về đảm nhiệm thì anh đã cố gắng biến nó thành một đơn vị nghệ thuật với những hoạt động chuyên môn thiết thực và đáng kể. Một đóng góp âm thầm bên cạnh việc biên tập các tác phẩm thu thanh tại phòng thu của Đài là việc tổ chức phối khí, thu thanh lại toàn bộ nhạc cắt, nhạc nền, nhạc hiệu đã được thu thanh từ thời quá xa. Công việc này đòi hỏi một tư duy vừa có ý tưởng, vừa cần tỷ mỷ. Những thay đổi này mong tới một diện mạo âm nhạc phù hợp với thời đại qua làn sóng phát thanh.
Cũng trong thời kỳ ấy, Trưởng ban Đỗ Hồng Quân rất quan tâm đến việc nâng cao phối khí và chất lượng chơi nhạc của dàn nhạc. Anh mơ ước sẽ xây dựng dàn nhạc hoàn chỉnh như một dàn nhạc tương đương với các dàn nhạc giao hưởng, bên cạnh đó, cũng có thể rút tỉa thành một dàn nhạc bán cổ điển cũng như việc chăm chút cho một dàn nhạc nhẹ. Đã có những hội thảo về vấn đề này diễn ra trong thời kỳ ấy. Từ cái nền này, sẽ tiến tới xây dựng Nhà hát âm nhạc Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam mà ban Âm nhạc cũng là một bộ phận trong đó. Việc này hôm nay cũng đã trở thành hiện thực, nhưng Ban Âm nhạc vẫn là một Ban riêng (nay được gọi là Hệ Âm nhạc-Thông tin-Giải trí VOV3 Đài TNVN).
Trong thời kỳ đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban, Đỗ Hồng Quân đặc biệt chú ý chăm sóc những tác giả ở nhiều tỉnh, thành. Không chỉ thế, còn tổ chức được nhiều cuộc liên hoan Dân ca cùng các hội thảo để tạo ra một tầm nhìn Âm nhạc có chiều sâu trên làn sóng điện. Một điều quan trọng nữa liên quan tới vấn đề “có thực mới vực được đạo”. Theo những quy định cũ xưa, tiền nhuận bút nhạc phẩm được thu thanh ở Đài rất thấp, chỉ có thể gọi là tiền thù lao cho có hương có hoa một chút. Đỗ Hồng Quân đã kiên trì đề xuất để có mức nhuận bút là 1.000.000 đồng một nhạc phẩm rồi cứ từ từ nâng dần nên đến 1.500.000 đồng, để rồi hôm nay mức nhuận bút là 1.600.000 đồng một nhạc phẩm.
Đài rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, nhưng trong rất nhiều năm lại chưa có bài hát chính thức viết về Đài. Năm 2004 qua bài thơ của Tổng giám đốc Vũ Văn Hiền, Đỗ Hồng Quân đã phổ nhạc thành công thành một bài hát mang tên “Tự hào Tiếng nói Việt Nam”:
Đây tiếng nói Việt Nam
Trang nghiêm mà thân thuộc
Là hồn thiêng dân tộc
Là nguyên khí núi sông
Đây tiếng nói Việt Nam
Hào hùng qua năm tháng
Âm vang lời tổ quốc,
Mang nghĩa Đảng tình dân
Đài Tiếng nói Việt Nam
Đến mọi nơi xa gần
Mãi vươn dài cánh sóng
Hát khúc ca mùa xuân
Đài Tiếng nói Việt Nam
Niềm tin yêu vô cùng
Ôi tự hào biết mấy.
Đây tiếng nói Việt Nam .
Với lời thơ chân thành, giai điệu mô tả được hình ảnh của Đài Phát Thanh tiếng nói Việt Nam, bài hát đã nhiều lần được biểu diễn trong những dịp kỷ niệm thành lập Đài.
Cũng thời kỳ này, bên cạnh việc phát hiện ra các nhạc phẩm hay, các tác giả trẻ, Đỗ Hồng Quân rất chú ý tới sáng tác của các nhạc sĩ trẻ và cùng anh em tìm kiếm phát hiện ra những giọng hát hay mà Tùng Dương là một điển hình. Do nhu cầu phát triển của giới nhạc sĩ trong thời đại mới, năm 2005 Đỗ Hồng Quân đã được các nhạc sĩ tín nhiệm bầu làm tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam và đến năm 2010 lại tiếp tục đắc cử cương vị Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam. Phải dời khỏi Đài để về chủ trì công việc lãnh đạo Hội, Nguyễn Hồng Quân có khá nhiều lưu luyến, nhưng cũng phải chấp nhận bởi sự tín nhiệm của anh em.
Chỉ công tác ở Đài với cương vị Trưởng ban Âm nhạc tròn 5 năm, nhưng 5 năm đầu thế kỷ mới, Đỗ Hồng Quân đã thực sự tạo ra một bước phát triển của dòng chảy Âm nhạc trên sóng Phát thanh vừa đáp ứng tốt đẹp các nhiệm vụ chính trị, vừa nâng tầm chuyên môn cho loại hình truyền thông âm nhạc riêng biệt này và đưa Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành một địa chỉ đáng tin cậy của giới nhạc sĩ trong cả nước.