Những chiếc bàn cũ. Cũ cả mấy cái máy chữ. Cái tủ đựng tài liệu cũng cũ nốt. Đó là hình dung đầu tiên của tôi khi bước vào căn phòng làm việc buổi gia nhập VOV. Thế nhưng đây là nơi sản sinh ra một chương trình thuộc diện mới mẻ: Tạp chí Truyền thanh - một chương trình mang hình thức "Magazine phát thanh" hiện đại bậc nhất VOV lúc bấy giờ do nhà báo Phan Quang - Tổng Giám đốc Đài TNVN thời điểm đó "khai sinh".
Đó là năm 1994. Trước đó, Tạp chí Truyền thanh là chương trình do các ban trong Đài luân phiên sản xuất dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Biên tập.
Những nhà báo VOV từng thực hiện "Tạp chí Truyền thanh"
Sau khi Ban Văn hoá Xã hội được thành lập từ việc tách Ban Chuyên đề thành 2 Ban Văn hoá Xã hội và Kinh tế, chương trình Tạp chí Truyền thanh chuyển giao hẳn cho Phòng Tạp chí Truyền thanh và Du lịch thuộc Ban Văn hoá Xã hội. Và tôi đã vinh dự được bắt đầu chặng đường của nghề báo nói trong căn phòng xinh xắn, ấm cúng đó, trong không khí làm việc đang tiếp cận xu hướng "chuyên nghiệp".
Sở dĩ nói chuyên nghiệp là bởi lúc bấy giờ, phần lớn các chương trình phát thanh được sản xuất theo phương thức "cắt báo" - biên tập-đọc, nghĩa là phần lớn thời lượng là dùng bài trên các báo, tỷ lệ tác phẩm của phóng viên VOV không nhiều. Tạp chí Truyền thanh đã "khai tử" lối làm báo "thủ công" đó bằng hàng loạt chương trình mang dấu ấn của phóng viên bản đài, chú trọng tính phát thanh nhờ những phóng sự đời thường, điều tra, phỏng vấn khách mời, tiểu phẩm, câu chuyện truyền thanh...
Cứ sáng Chủ nhật, tạp chí lại dành cho thính giả một chủ đề "nóng" thiết thực gần gũi đời sống bằng lối dẫn dắt sinh động, tự nhiên của chính những giọng dẫn là biên tập viên, phóng viên chương trình.
Nhà báo Nguyễn Chu Nhạc thực hiện "Tạp chí Truyền thanh" trên sông Hậu 20 năm trước
Những nhà báo giàu kinh nghiệm như Trưởng phòng Thanh Lịch (đã mất), Nguyễn Chu Nhạc, Nguyễn Huấn, Phạm Duy Hưng, Nguyễn Thu Liên... đã làm nên một "thương hiệu" cho Ban Văn Xã. Thanh Lịch: bao quát và tinh tế; Chu Nhạc: chắc chắn, mực thước; Nguyễn Huấn: tài tình trong cách sử dụng âm thanh, kết hợp báo chí và tiểu phẩm văn nghệ; Duy Hưng: kỹ trong từng chi tiết; Thu Liên: nhạy bén thời sự... Mỗi người một phong cách làm nên bức chân dung một Phòng biên tập trẻ trung nhưng vững vàng bản lĩnh nghề.
Trưởng ban Văn hoá Xã hội lúc đó - nhà báo Nguyễn Đình Lương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Tạp chí Truyền thanh. Mỗi văn bản phát thanh đưa duyệt, ông đều kèm theo một tờ nhận xét, góp ý, động viên, phía trên bao giờ cũng bắt đầu bằng dòng chữ trìu mến: "Các bạn trong đội hình "Brazil" thân mến!"... Ông so sánh êkip chương trình với đội tuyển giàu thành tích bóng đá để đề cao, khen ngợi, đồng thời cũng cảnh báo, nhắc nhở: Không được phép dẫm chân tại chỗ, sớm hài lòng với thành quả.
Mỗi tuần một chương trình 45 phút, bình quân mỗi biên tập viên thực hiện một chương trình trong tháng. Làm ít nên tinh, ai cũng có điều kiện để triển khai chương trình một cách kỹ lưỡng, công phu nhất. Bao giờ cũng bắt đầu từ khâu đề xuất đề tài, ý tưởng, chủ đề với trưởng phòng, rồi đến khâu thu thập tư liệu, hình thành mạch tạp chí, liên hệ khách mời, và sau đó là những chuyến rong ruổi các địa phương từ Bắc vô Nam tác nghiệp. Mỗi chương trình luôn đầy nghẹt hơi thở cuộc sống, in dấu chân phóng viên trên những hành trình liên tục không ngơi nghỉ.
Nhà báo Nguyễn Huấn (trái) đang thu thanh từ hiện trường thực hiện "Tạp chí Truyền thanh"
Chúng tôi sáng tạo cách chuyển tải nội dung, hình thức thể hiện. Lần đầu tiên, cách trò chuyện giữa các biên tập viên để dẫn dắt vấn đề được thực hiện tạo cho chương trình nét uyển chuyển, mềm mại và gần gũi; lần đầu tiên hình thức "phóng sự hiện trường" được phô diễn tại nhiều địa bàn "nóng": bến tàu, bến xe, bệnh viện, khu vực "tệ nạn xã hội", "điểm đen" giao thông..., "viết ngay vào micro" nhờ khả năng ứng biến, dẫn dắt tình huống và trao đổi sinh động với các nhân vật, mà không cần văn bản phát thanh đọc trong phòng thu; lần đầu tiên thực hiện toàn bộ chương trình phát thanh tại hiện trường...
Tôi vẫn còn nhớ một trong những chương trình như thế là về chủ đề "Tai nạn giao thông". Tôi và nhà báo Nguyễn Huấn đã mở đầu chương trình ngay tại Cổng cơ quan 41-43 Bà Triệu. Tôi nổ máy chiếc xe cà tàng, ngồi sau, anh Nguyễn Huấn bật máy và bắt đầu dẫn dắt hành trình phân tích thực trạng giao thông nước nhà. Tiếng khởi động của chiếc xe đã thay cho lời mở đầu chương trình một cách ấn tượng. Cứ thế, chúng tôi tới Cục Cảnh sát giao thông, đi Nam Định, Thái Bình... tác nghiệp trên Quốc lộ, hay những bến phà, bến xe...và thực hiện ngay tại chỗ việc mô tả, bình luận, phỏng vấn.... Cách làm đó đã tạo nên một không gian âm thanh có chiều sâu, không "mỏng dẹt" như kiểu "đọc báo" đơn điệu trước đó.
Căn nhà âm thanh tạp chí cũng "đón tiếp" nhiều yếu nhân trong mọi lĩnh vực với tư cách khách mời; rất nhiều những vùng đất hiển hiện trong chương trình; rất nhiều những bài hát, điệu nhạc đã đồng hành cùng chương trình như những nét duyên chấm phá, những thông tin bổ trợ...
Nhà báo Trần Nhật Minh (tác giả) cách đây 20 năm
Tạp chí Truyền thanh là gợi ý để sau này, Ban Văn hoá Xã hội hình thành nhiều tạp chí, diễn đàn phát thanh thời lượng 30 phút trở lên, để lại nhiều dấu ấn như Diễn đàn Các vấn đề xã hội, Diễn đàn Văn hoá Chủ nhật, Tạp chí Văn hoá, Tạp chí Thể thao...
Hơn 20 năm kể từ ngày chập chững bước vào căn phòng nhỏ với những gương mặt lạ nhưng quen trên làn sóng, giờ tôi vẫn còn lưu giữ nhiều băng cát-xét, băng cối analog ghi lại những chương trình đầu tiên còn đầy bỡ ngỡ. Nghe lại để thêm nhớ, thêm yêu, thêm tự hào về công việc mình đã chọn. Trong tốc độ chóng mặt của truyền thông hiện đại, tôi vẫn thấy mình đã chọn đúng cái công việc lặng thầm nhưng cũng đầy niềm vui đó. Quên sao được cái nơi đầu tiên giúp mình nuôi dưỡng tình yêu với nghề báo nói./.