Nhớ người một thuở Tây Nguyên…

(VOV5) - Gần 3 năm làm Giám đốc CQTT Tây Nguyên, với vai trò người góp công “khai sơn phá thạch”, nhà báo Lê Đình Đạo đã tạo dấu ấn trong nhiều công việc.

Vào ngày cuối tháng 5 năm 1993, anh Lê Đình Đạo “khăn gói quả mướp”-như lời anh nói vui sau này-vào Đắk Lắk chuẩn bị cho công việc thành lập Cơ quan thường trú Tây Nguyên.

Tôi khi đó công tác ở Báo Đắk Lắk, đang chờ quyết định chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng được anh “triệu tập”cùng anh lo công việc sự vụ. Trong những tuần đầu hai anh em trên chiếc xe máy đi đến các cơ quan ban ngành liên quan trong tỉnh, vừa là để “cáo bạch”về sự xuất hiện của cơ quan, vừa để tranh thủ sự ủng hộ, tư vấn, giúp đỡ. Tây Nguyên lúc này đang chuẩn bị vào mùa mưa.

Bơ, bắp, hai thứ trái cây đặc hữu của vùng đất ba dan đã vun đầy những chiếc gùi trên vai những phụ nữ, xuôi các con phố, dồn về từng ngõ chợ. Buổi chiều, thỉnh thoảng xuất hiện cơn giông, bụi đỏ tung ngợp đường phố, hoa muồng vàng rụng đầy lối đi. Phố phường Buôn Ma Thuột thời ấy chưa được phồn thịnh, tinh tơi như những năm sau này. Đường sá từ Đắk Lắk đi các tỉnh Tây Nguyên, hoặc từ trung tâm Buôn Ma Thuột về các huyện còn gập ghềnh, trắc trở…


nho nguoi mot thuo tay nguyen… hinh 0
Nhà báo Lê Đình Đạo (bên trái) tại trụ sở Cơ quan Thường trú Tây Nguyên
 thời kỳ đầu

Có mấy việc anh Lê Đình Đạo cùng lúc xử lý, việc nào cũng cần kíp, quan trọng, cần chạy đua với thời gian. Nào là tìm nơi đặt trụ sở, đồng thời là nơi ăn chốn ở lâu dài cho cán bộ nhân viên. Nào là hình thành bộ máy, tìm người cho công việc biên dịch, đọc các chương trình phát thanh tiếng dân tộc. Nào là tài khoản, dấu má, phương tiện, thiết bị, từ máy đánh chữ, máy fax đến bàn ghế, giường tủ. Nào là liên hệ với Đài Phát thanh-Truyền hình Đắk Lắk, Đài Phát sóng Đắk Lắk để lo khâu thu âm, truyền dẫn, phát sóng chương trình phát thanh tiếng dân tộc sau này. Nào là liên hệ với Trung tâm Âm thanh của Đài ngoài Hà Nội để khai thác tư liệu âm nhạc dân tộc… Ngồn ngộn những việc là việc, ban đầu lại chỉ có mình anh từ Hà Nội vào, nhưng rồi lần lượt công việc cứ đâu vào đấy.

Chỉ trong thời gian ngắn, công việc của một cơ quan thường trú đã vào nhịp. Khi có Đặng Quang Thương từ Hà Nội vào; Uông Ngọc Dậu, H’ Ngơi H’Long từ Báo Đắk Lắk chuyển sang, thì bắt đầu vừa làm tin, bài chuyển ra Hà Nội, vừa chuẩn bị cho việc phát sóng chương trình tiếng dân tộc đầu tiên. Và có lẽ là một kỷ lục về thời gian, khi chưa đầy 1 tháng, vào ngày 1/7/1993, chương trình phát thanh đầu tiên-chương trình tiếng Êđê đã lên sóng!

Sau này, được làm việc dưới quyền anh nhiều năm, ở nhiều lĩnh vực, vị trí, tôi học được ở anh nhiều điều. Đó là tính thận trọng, nề nếp, việc nào ra việc nấy. Đó là đề cao tính hiệu quả, không câu nệ hình thức, lễ nghi. Đó là quan sát, lắng nghe, hiểu và tin tưởng nhân viên dưới quyền. Đó là xem việc bảo vệ, đề cao uy lực của Tiếng nói Việt Nam như một nguyên tắc…Có lần, anh nói với chúng tôi, đại thể, phóng viên của Đài đến cơ sở, đừng quên mình là phóng viên Đài quốc gia, đừng vì một bữa ăn hay một chỗ ngủ khách sạn mà viết theo ý người ta. Cũng đừng bao giờ gợi ý, vòi vĩnh xa gần, làm xấu mặt “nhà Đài”. Người ta không biết đến Đài Tiếng nói Việt Nam thì phải làm cho người ta biết, bằng những bài viết, sản phẩm báo chí tử tế!

Có một sự kiện trong những ngày đầu thành lập Cơ quan thường trú Tây Nguyên, không chỉ không nhắc: Ngày 12/6/1993, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam có quyết định thành lập cơ quan, thì đúng ngày 21/6/1993, Cơ quan tổ chức kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, có đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, có đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, có ông Huỳnh Văn Cần, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc tới dự, chúc mừng những người làm báo và chúc mừng Cơ quan thường trú Tây Nguyên.

Buổi lễ kỷ niệm tổ chức ngay hội trường trụ sở Vườn quốc gia Yook Đôn hôm đó, do vậy, còn có ý nghĩa như một sự “ra mắt”, “trình làng”của một cơ quan báo chí tại khu vực. Một sự kiện khác: Lần phát sóng chương trình tiếng dân tộc đầu tiên ở Tây Nguyên là một sự kiện mang tính dấu ấn, nhưng khi đó, ngoài Hà Nội chỉ cử anh Trần Quý Tuyên, cán bộ Ban Thư ký Biên tập vào.

Buổi trưa hôm đó, anh Đạo nói mấy anh em mang radio lên nhà ông Ama H’ Rin, người Ê đê, già làng Buôn A Ko Đhông, Buôn Ma Thuột làm cuộc “khai sóng”. Không cờ quạt, kính thưa, kính gửi, bấm nút rổn rang như mọi cuộc khai trương thường tình, mà vẫn ấn tượng, thật khó quên. Già làng Ama H’ Rin và bà con người Êđê trong buôn quây quần trong ngôi nhà dài, nghe chương trình phát thanh của Đài quốc gia, bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình và trực tiếp nhận xét, bày tỏ cảm xúc với những người làm chương trình. Giữa cán bộ, phóng viên, biên dịch viên với thính giả thật gần gũi, thân tình. Sau này, khi lần lượt các chương trình phát thanh Jơ rai (1/7/1994), Ba na (1/1/1995) ra đời, anh Lê Đình Đạo yêu cầu mấy anh em xuống các buôn làng hỏi chuyện bà con, nghe bà con góp ý về nội dung từng chương trình, từ cách dùng từ đến cách diễn đạt; rồi những nội dung mà bà con quan tâm.

Anh cũng yêu cầu chúng tôi ghi lại ý kiến phản hồi của người dân, sau đó đưa vào chương trình, phát sóng, “để bà con được nghe chính tiếng nói của mình trên đài”. Tiếp thêm một bước, khi nhân lực cơ quan tương đối ổn định, chúng tôi định kỳ đến các buôn làng, vừa tìm hiểu đời sống, nguyện vọng của bà con, ghi lại ý kiến của bà con, vừa động viên bà con hát, kể các bài dân ca, truyện cổ, kể cả những tác phẩm sử thi ngắn, rồi thu âm.

Mỗi nhóm đi cơ sở thường có một phóng viên, một biên dịch viên tiếng dân tộc thiểu số, một kỹ thuật viên cùng thiết bị thu âm. Sau những chuyến đi đó, kho tư liệu dân ca, truyện cổ nhiều thêm, đáp ứng một phần nhu cầu thưởng thức văn nghệ truyền thống của bà con.

Những năm sau đó, khi anh Lê Đình Đạo chuyển ra Hà Nội, việc làm này đã thành cái nếp ở Cơ quan thường trú Tây Nguyên. Không gian các chuyến đi mở rộng hơn nhiều, từ Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, qua Lâm Đồng, rồi Đắk Nông, có khi xuống cả vùng tây Phú Yên, nơi có bộ phận đồng bào Êđê, Chăm H’roi cư trú. Từ vùng đồng bào dân tộc Ê đê, Jơ rai, Ba na, sau này thêm K’ ho, Mơ Nông… Đó chính là cách làm phát thanh dân tộc mang tính cộng đồng rất rõ rệt; đưa nội dung phát thanh đến gần với cộng đồng nhất, động viên cộng đồng tham gia sáng tạo nội dung chương trình phát thanh.


nho nguoi mot thuo tay nguyen… hinh 1

Nữ biên dịch viên, phát thanh viên tiếng Ê đê lứa đầu tiên của Cơ quan Thường trú Tây Nguyên

Hồi mới phát sóng chương trình tiếng Ê đê được một thời gian ngắn, chúng tôi đón tiếp một vị khách đặc biệt. Ông đạp chiếc xe đạp lấm màu đất đỏ, tìm đến địa chỉ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Buôn Ma Thuột, nơi là trụ sở Cơ quan thường trú Tây Nguyên bấy giờ. Phía sau xe buộc lủng lẳng túi đồ, bầu nước với cây đàn b’rố làm bằng ống tre trông đã lên màu thời gian. Ông mặc chiếc áo dệt bằng sợi thổ cẩm, đầu quấn chiếc khăn, phía trán cắm mấy chiếc lông chim công, trông rất chi là ngộ.

Anh Đạo tiếp đón hỏi chuyện vị khách đặc biệt chân tình, cởi mở. Người khách đó chính là nghệ nhân Y Dơn, người Jơ rai, quê ở Buôn Sâm, xã Ea H’ Leo, huyện Ea H’ Leo, tiếp giáp với tỉnh Gia Lai. Ông là  một “kho dân ca sống”hiếm hoi trên vùng đất Tây Nguyên.

Ông nói rằng, tình cờ ông mở đài, nghe được chương trình tiếng Ê đê của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông như gặp lại người tri âm tri kỷ. Thế là theo địa chỉ được phát thanh viên giới thiệu trong chương trình phát thanh, ông vượt hơn 100 cây số bằng chiếc xe đạp cũ kỹ về Buôn Ma Thuột, hỏi đường tìm đến Cơ quan thường trú của Đài trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ông vui và hứng khởi, lôi mấy thứ nhạc cụ trên xe đạp xuống, vừa đàn vừa hát các bài dân ca của người Ê đê, Jơ rai. Người nghệ nhân tài hoa này thông thạo hai thứ tiếng Jơ rai-tiếng mẹ đẻ, và tiếng Ê đê. Ông đàn hát say sưa, lắc lư toàn thân như lên đồng, những chiếc lông chim công rung theo nhịp hát, chất nghệ sỹ nguyên sơ núi rừng thăng hoa, tạo nên một không gian nghệ thuật hiếm có. Liền mấy ngày sau đó, ông cùng ăn cùng ở với anh em cơ quan, rồi vừa đàn vừa hát hết khúc dân ca này đến điệu dân ca khác để thu băng...

Ông còn ngẫu hứng sáng tác lời mới trên nền dân ca truyền thống, rất là rộn ràng. Khi trụ sở Cơ quan dời về 83, Lý Thường Kiệt, anh Đạo mời ông đến cơ quan, ăn ở cả nửa tháng trời, để ông lại hát lại đàn, lại ngẫu hứng sáng tạo những bài hát theo làn điệu dân ca Ê đê, Jơ rai, Ba na, để làm phong phú thêm kho băng dân ca Tây Nguyên.

Sau này, có một vài lần ông về Buôn Ma Thuột, ghé vào Cơ quan thường trú Tây Nguyên, khi ấy ông thành cộng tác viên thân thiết của cơ quan. Những dịp đi công tác ngược mạn Gia Lai, Kon Tum, chúng tôi tranh thủ rẽ vào thăm ông... Ngoài nghệ nhân Y Dơn, với những kinh nghiệm về phát thanh dân tộc từ những ngày tham gia xây dựng chương trình phát thanh tiếng Mông của Đài Tiếng nói Việt Nam trước đây, ngay từ khi vào Buôn Ma Thuột, anh Đạo đã chú ý xây dựng mối quan hệ với các nhân sỹ, trí thức người dân tộc thiểu số, như ông Siu Phơi, người Jơ.rai, ông Y Săn, người Ê đê. Họ trở thành những chuyên gia ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, chỗ dựa về chuyên môn cho anh chị em làm phát thanh dân tộc. 


nho nguoi mot thuo tay nguyen… hinh 2

Cán bộ, nhân viên Cơ quan Thường trú Tây Nguyên thời kỳ đầu (nhà báo Lê Đình Đạo đứng
 ngoài cùng bên trái)

Tôi vốn là giáo viên dạy ngữ văn, rồi chuyển sang làm báo, báo in. Đến năm 1993 được chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam, làm báo nói, ở Cơ quan thường trú Tây Nguyên, do anh Lê Đình Đạo làm giám đốc. Những kiến thức đầu tiên về báo phát thanh tôi học được từ vị giám đốc cơ quan, có vẻ rời rạc, nhưng lại rất cơ bản. Ví như anh thường lưu ý về viết câu ngắn, hạn chế con số, về cách làm tròn con số hoặc nguyên tắc “nhắc lại” tên người, địa danh trong văn bản báo phát thanh.

Ví như anh dành thời gian cả tháng trời rèn phóng viên cách rút tin, đặt tít. Hàng ngày, anh yêu cầu từng phóng viên đọc báo, chọn một số bài, đọc kỹ rồi rút thành một cái tin hoàn chỉnh, đặt tít cho cái tin đó. Hoặc từ những bản tin trên báo, chọn tin có nội dung phù hợp và rút thành một tin ngắn để phát trên đài… Ví như anh khuyên chúng tôi nói ngắn, viết ngắn, nhưng có đủ thông tin… Khởi thủy, nhiệm vụ chính của Cơ quan thường trú Tây Nguyên là vừa tổ chức sản xuất phát sóng các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số, vừa làm nhiệm vụ thường trú, sản xuất tin bài cung cấp cho các ban ở Hà Nội, đặc biệt là làm tin cho Ban Thời sự lúc bấy giờ.

Anh Đạo nhắc chúng tôi chú ý hai việc. Một là theo dõi sự kiện, không bỏ sót sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn. Hai là phải thường xuyên có tin bài về khu vực phụ trách, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Sản phẩm báo chí, ấy là thước đo giá trị, tầm vóc người làm báo… Từ những kinh nghiệm mà anh truyền lại, với lòng yêu nghề, ham làm việc, chúng tôi dần dần trưởng thành, xứng đáng là phóng viên của Đài quốc gia, không làm “xấu mặt nhà Đài”.

Hồi mới thành lập, cơ quan mới có gần 20 người, nhưng có tới 4 dân tộc anh em. Nhiều anh chị em người dân tộc từ các huyện xa của tỉnh Gia Lai, Kon Tum được tuyển về, ăn ở tập trung tại cơ quan. Cơ quan lúc đó là dãy nhà tập thể cấp 4 thuê của Vườn quốc gia Yok Đôn, một nửa là nơi làm việc, một nửa là nơi ở. Từ Giám đốc đến nhân viên đều ăn chung một bếp, ở cùng dãy nhà. Thỉnh thoảng, vào chiều thứ 7, anh Đạo lại khao anh em, có khi là món nem nướng Ninh Hòa, có khi là món lẩu dê ở đường Hai Bà trưng, lẩu bò ở đường Quang Trung. Vui và ấm áp…

Năm đầu sau thành lập, Cơ quan thường trú Tây Nguyên có mô hình rất gọn nhẹ, gọn nhẹ đến… đơn giản, ấy là chỉ có giám đốc và nhân viên. Mỗi khi anh Đạo đi công tác dài ngày, thường là về Hà Nội họp, anh lại giao cho tôi phụ trách cơ quan. Khi đó từ Hà Nội, Đài tăng cường cho Tây Nguyên anh Đặng Quang Thương, phóng viên và anh Bùi Quý Toản, vốn là phó trưởng phòng. Ngoài ra còn có nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Âm thanh. Tôi khi công tác ở báo Đắk Lắk là Phó trưởng phòng Thư ký-Biên tập, nhưng khi về Đài chỉ là một phóng viên bình thường. Giao cho tôi phụ trách cơ quan, đặc biệt là ký duyệt chương trình phát sóng, ký tin, bài chuyển về Hà Nội trong bối cảnh ấy thật sự là một thử thách lớn. Nhưng tôi đã không phụ lòng tin của người đứng đầu cơ quan, đã làm tròn bổn phận một nhân viên được thủ trưởng giao quyền.

Nhớ về một thuở Tây Nguyên, lại nhớ về lối sinh hoạt tập thể rất quy củ mà ấm áp, tình cảm, mà người đứng đầu cơ quan cố gắng tạo dựng bằng chính sự gương mẫu của bản thân. Cơ quan ăn ở tập trung, đa số anh em người dân tộc thiểu số từ buôn làng xa về, nhưng nề nếp, gọn gàng đâu ra đó.

Ngày thứ 7, anh cùng mọi người quét dọn vệ sinh từ khu vực cơ quan đến tận lề đường hè phố. Hồi đó, ăn tập thể, cơm ngày ba bữa, anh cứ bữa trưa bữa chiều cơm ba bát, mặc cho thức ăn bữa ngon bữa dở. Cách pha trà của anh, thì thôi rồi, thành một quy trình chuẩn mực. Bàn ghế uống nước phải sạch. Nước sôi già tráng ấm chén, rồi khăn vải sợi bông khô và sạch, lau từng chiếc đĩa, đến từng chiếc chén. Dùng thìa hoặc quấn giấy làm thìa đong trà cho vào ấm. Cho nước sôi “làm lông” trà, chắt bỏ lượt nước đầu rồi mới cho nước sôi lần nữa, cho trà đủ ngấm rồi mới rót ra chén…Chén trà anh pha có cảm giác màu sắc tươi, sáng, hương thơm, vị đậm hơn hẳn…

Gần ba năm làm giám đốc Cơ quan thường trú Tây Nguyên, với vai trò người góp công “khai sơn phá thạch”, anh Lê Đình Đạo tạo dấu ấn trong nhiều công việc. Thời kỳ anh làm Giám đốc, ba chương trình tiếng dân tộc được phát sóng là Ê đê, Jơ rai và Ba na. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên dịch viên chủ lực và chủ chốt của Cơ quan thường trú bây giờ được tuyển chọn từ thời kỳ đầu mới thành lập cơ quan.

Trụ sở cơ quan từ chỗ thuê mượn của Vườn quốc gia Yook Đôn, đã có một cơ sở khá đẹp, ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, quay mặt ra phố lớn là Lý Thường Kiệt và Phan Bộ Châu. Trước năm 1975 đây vốn là một khách sạn tư nhân, sau này thành cơ sở của Công ty Du lịch Đắk Lắk. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tỏ ra có cảm tình và ưu ái với Đài Tiếng nói Việt Nam nên đã chỉ đạo rốt ráo dành cơ sở này cho Cơ quan thường trú, với giá cả phù hợp.


nho nguoi mot thuo tay nguyen… hinh 3
Phóng viên, biên dịch viên Cơ quan Thường trú Tây Nguyên trong giai đoạn nhà báo
Lê Đình Đạo làm Giám đốc

Thời kỳ đó, anh Đạo cũng đã được lãnh đạo Đài ủng hộ trong việc tìm đất xây dựng khu tập thể cho anh em. Khu tập thể bây giờ của Cơ quan thường trú được xây dựng trên mảnh đất vốn là nhà ăn tập thể của sinh viên trường Đại học Tây Nguyên. Bằng mối quan hệ thân tình, anh Đạo đã thuyết phục Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên lúc bấy giờ là Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phan Quốc Sủng vui vẻ chuyển nhượng nhà ăn tập thể cho Đài Tiếng nói Việt Nam để xây dựng khu tập thể, với giá chỉ 60 triệu đồng. Khu tập thể với hai dãy nhà hai tầng, đủ đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho anh chị em, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, như một biểu hiện của sự quan tâm của Đài Tiếng nói Việt Nam với phát thanh dân tộc.

Cuối năm 1995, anh Lê Đình Đạo được điều ra làm Chánh Văn phòng, đến tháng 2/2003 anh được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Đài. Thời anh làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách nội dung cũng để lại những dấu ấn đáng nhớ. Đó chính là giai đoạn Đài chuyển từ mô hình các ban biên tập phát thanh sang mô hình hệ.

Sự thay đổi là tất yếu trong xu thế tiếp cận với mô hình phát thanh hiện đại của thế giới, nhưng để đi đến thành công, cũng không phải xuôi chèo mát mái. Từ 7 ban biên tập, sắp xếp lại còn 5 hệ, trong đó Hệ Phât thanh Đối ngoại gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu tổ chức. Trong khi đó 3 ban Thời sự, Kinh Tế, Bạn Nghe đài và một phần Hệ Phát thanh Dân tộc nhập vào Hệ Thời sự-Chính trị-Tổng hợp; 2 ban Văn học-Nghệ thuật và Văn hóa-Xã hội nhập thành Hệ Văn hóa-Đời sống-Khoa giáo. Giảm đầu mối, giảm số phòng, giảm số lượng cán bộ cấp phòng, cấp ban là chuyện hệ trọng, đụng chạm đến vấn đề quyền lợi, thói quen của một bộ phận cán bộ. Chuyện thay đổi, sắp xếp lại toàn bộ khung chương trình lại có ý nghĩa như một cuộc cách mạng, đảo lộn mọi nếp nghĩ, cách làm theo kiểu cũ, tồn tại hàng chục năm rồi.

Hồi đó, xóa được nếp quen “chia ruộng quả thực”, “nhất ban nhất khoảnh” để sắp xếp lại mặt sóng theo một tư duy mới, theo các cấp độ thông tin khác nhau, hệ thống, mạch lạc, là cả một vấn đề. Đã có lúc nội bộ từng phòng, từng hệ mỗi lần họp bàn chuyện đổi mới không khí cứ như mổ trâu mổ bò, ai cũng thấy chỉ có mình là thiệt thòi, mất mát. Đổi mới là quy luật, là tất yếu, là đòi hỏi của thực tiễn, có được có mất, không phải ai cũng nhiệt tình ủng hộ, vì đổi mới không thể đáp ứng mọi hoài vọng của tất cả mọi người. Nhưng rồi nhờ lãnh đạo Đài kiên trì và sự ủng hộ tích cực, có lý lẽ của đa số cán bộ, phóng viên mà chuyện đổi mới mô hình phát thanh đã đi đến kết quả.

Trong đổi mới lần này, anh Đạo tiếp tục yêu cầu triển khai một ý tưởng có từ trước đó, rất mới mẻ, hiện đại, đó là  xây dựng Phòng Sản xuất chương trình ở Hệ Thời sự-Chính trị-Tổng hợp với chức năng như một tòa soạn, là phòng “xương sống” của Hệ. Phòng này tiếp nhận tất cả các sản phẩm phát thanh đơn lẻ do các phòng thực hiện chuyển về, sau đó tổ chức biên tập, dàn dựng chương trình và phát sóng. Các phòng chuyên đề chỉ làm chức năng phóng viên, thực hiện các sản phẩm phóng sự, phỏng vấn đơn lẻ… Đây chính là mô hình toà soạn trong báo phát thanh hiện đại, có sự chuyên môn hóa cao, tách biệt giữa phóng viên và biên tập viên.

Hơn thế, nó kiểm soát được toàn bộ nội dung chương trình sẽ phát trong ngày, kịp thời điều chỉnh, loại bỏ những nội dung trùng lặp, kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Tiếc là sau một thời gian vận hành thử, trong thực tế mô hình phòng tòa soạn này không thành công. Nguyên nhân chính là trình độ, năng lực của cán bộ, phóng viên khi đó chưa đủ tầm tổ chức triển khai một mô hình tòa soạn hiện đại, chưa dũng cảm vượt qua thói quen khép kín, cát cứ trong khâu sản xuất chương trình. Nói như các nhà lý luận, là có sự bất cập giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Trong xu hướng phát thanh hiện đại, ý tưởng xây dựng mô hình toàn soạn trong hệ phát thanh vẫn là một hướng mở, cần một sự nghiên cứu và vận dụng nghiêm túc.

Tôi còn nhớ, vào cuối tháng 5/2004, ngay sau vụ bạo loạn ở Tây Nguyên, anh Đạo cử một nhóm phóng viên và giao cho tôi, khi đó là giám đốc Hệ Phát thanh Dân tộc phụ trách, vào các tỉnh Tây Nguyên, đến một số điểm nóng tìm hiểu tình hình, viết bài. Nhóm phóng viên gồm tôi, Trần Đức Thành, Bùi Hương Giang, Phạm Công Hân đến một số buôn làng ở Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk trong bối cảnh vừa trải qua những biến động, xáo trộn do những tác động từ bên trong và bên ngoài.

Ngay trong và sau chuyến đi này, chúng tôi có một loạt bài về đời sống, tâm tư, tình cảm của đồng bào, góp thêm một cái nhìn trực tiếp, toàn diện về Tây Nguyên. Chính cách điều hành nhanh nhạy của người cầm chịch về thông tin tuyên truyền của Đài quốc gia lúc ấy cho chúng tôi kinh nghiệm về cách phản ứng  nhanh nhạy,  kịp thời và linh hoạt trước các sự kiện thời sự, chính trị diễn ra hàng ngày.

Thời tôi được luân chuyển về làm Giám đốc Hệ Thời sự-Chính trị-Tổng hợp, lại thường xuyên nhận thông tin chỉ đạo trực tiếp từ anh. Anh có thói quen nghe các chương trình phát thanh của các hệ rất thường xuyên và rất kỹ; lại có cuốn sổ tay nhỏ bên người, ghi chép cụ thể những chi tiết cần lưu ý.

Nhiều lần giao ban, ngồi gần Phó Tổng Giám đốc, tôi ngó trộm cuốn sổ tay. Các trang sổ tay ghi bằng chữ nhỏ; lại ghi bằng hai loại mực, xanh và đỏ; lại có cả gạch dưới một gạch, hai gạch… Thành ra, những nhận xét, lưu ý, nhắc nhở thường là “chuẩn không cần chỉnh”, các hệ cứ thế mà phát huy, rút kinh nghiệm, điều chỉnh…Anh luôn nhắc, Đài mình phải làm tốt biểu dương, nhưng không chỉ là biểu dương. Phải biết phê bình, phê phán. Những bài điều tra chống tiêu cực thường được anh trực tiếp xem, sửa trước khi phát sóng. Anh luôn đứng về phía phóng viên, là chỗ dựa cho anh em cấp dưới  khi thực hiện những loạt bài phê phán cái xấu, cái chưa đúng. Anh cũng là người động viên, cổ vũ chúng tôi không ngừng đổi mới, đổi mới từ những chi tiết nhỏ.

Bây giờ nghe chương trình của Hệ Thời sự-Chính trị-Tổng hợp VOV1 từ đầu ngày đến giữa đêm, bạn nghe đài thấy nhiều lời dẫn cố định, dễ nghe, dễ nhớ. Ví dụ, lúc 4h45: Chào quý vị và các bạn! Một ngày mới đã bắt đầu. Chúc quý vị và các bạn có nhiều niềm vui trong cuộc sống, thành công trong công việc và nhớ theo dõi các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam… Hay câu mở đầu chương trình Thời sự 6h sáng hàng ngày:  Mời quý vị và các bạn nghe chương trình thời sự sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hôm nay, thứ… ngày… tháng…, tức ngày… tháng… năm (âm lịch), chương trình có những nội dung chính sau… Những câu như thế có dấu ấn Lê Đình Đạo.

Nhắc thời gian dương lịch, kèm theo ngày tháng âm lịch, là một chi tiết rất thú vị. Anh Đạo bảo, người Việt Nam theo ngày dương, nhưng không quên ngày âm. Mà ngày âm là gắn với đời sống tâm linh. Chương trình thời sự 6g sáng hàng ngày, nhắc tới ngày tháng âm lịch là thể hiện sự tôn trọng thính giả…    
 

Những năm ở Tây Nguyên cũng như sau này, khi tiếp xúc, làm việc tôi chưa thấy anh nổi nóng hay quát nạt ai bao giờ. Cũng có khi thấy anh tỏ ra bức xúc vì chuyện này chuyện khác, nhưng là về chuyện công việc, chuyện “nhà Đài”. Điềm đạm, từ tốn trong ứng xử, xử lý công việc là nét tính cách khá rõ ở Lê Đình Đạo. Anh thường hay nói vui với anh em chúng tôi, rằng, nghèo khó lâu, chứ giàu, mấy lúc; rằng, gái có công, chồng không phụ; rằng, có phúc, có phần…

Ngẫm từ thực tế cuộc đời, có vẻ có lý…

Phản hồi

Các tin/bài khác