(VOV5) - "Và nay "thiên thần vô hình" đã đi vào cõi vĩnh hằng với nhiều đồng nghiệp từng trải qua những năm tháng lửa đạn như ông.
"Nhiều người vẫn nhớ tới cái tên Kiên Cường khi nhắc tới Đài TNVN thời kỳ chống Mỹ, nhưng ít ai biết mặt ông. Điều đó không làm ông buồn, bởi ông rất tự hào khi được làm "thiên thần vô hình" trong lòng mỗi người yêu mến Tiếng nói Việt Nam.
Cửa phòng phát thanh bật mở. Phát thanh viên Kiên Cường từ trong phòng thu bước ra mắt đỏ hoe. Các kỹ thuật viên ôm chầm lấy anh khóc nức nở... Không gian như lắng đọng trong giây phút ấy...khi ông thể hiện xong bài viết của nhà báo Trần Đình Vân về sự hy sinh của liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Lúc đó, đồng bào cả nước nghe bài viết được phát trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam cũng như có thêm sức mạnh truyền vào tim làm bốc cao hơn ngọn lửa căm thù bọn đế quốc.
Vâng, đó là chuyện của những năm 60, khi một nửa đất nước còn trong cảnh kìm kẹp của đế quốc Mỹ. Hàng ngày, hàng giờ qua sóng phát thanh người dân Miền Bắc chờ nghe tin về miền Nam ruột thịt, còn người miền Nam như nhà thơ Giang Nam viết trong bài Tiếng nói Việt Nam "Tiếng chị phát thanh viên dịu dàng trong sáng; Báo tin mừng một nhà máy lắp xong; Tôi mơ ước ngày mai tươi sáng qua; Ống khói hòa bình vươn trên nước Cửu Long".
Những bài viết chứa chan tình cảm của các nhà văn lớn nói lên tình cảm của đồng bào miền Bắc dành cho miền Nam, những phóng sự nóng hổi của các phóng viên chiến trường từ các trận địa gửi về; những câu chuyện cảm động về gương của các má, các chị, các em miền Nam không lung lay ý chí quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm do phóng viên Đài phát thanh Giải phóng gửi ra... đã được các giọng đọc cũng chứa chan, nóng hổi, cũng cảm động không kém của các phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ như Nguyễn Thơ, Tuyết Mai, Minh Lý, Trần Phương, Kiên Cường... Thời gian trôi đi, nhưng giọng đọc của họ còn đọng lại mãi với những con người cũng của một thời hào hùng như thế.
Phát thanh viên Kiên Cường (áo trắng) cùng các phát thanh viên Hà Phương, Hoàng Yến, Nguyễn Thơ của Đài TNVN |
Phát thanh viên Kiên Cường (tên thật là Hàn Đức Trọng) vào công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1958, khi vừa rời quân ngũ trong đội hình của Tổng cục Chính trị chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Là người lính trải qua trận mạc nên ông càng hiểu nỗi đau của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Chính vì vậy, với cương vị là một phát thanh viên đài Quốc gia, hiểu được giá trị của mỗi lời nói của Đài lúc đó có giá trị như những lời hiệu triệu, kêu gọi, động viên nhân dân cả nước, vì vậy mỗi câu, mỗi chữ của tác giả đều được Kiên Cường cũng như các phát thanh viên thời ấy thể hiện một cách chính xác nhất về cung bậc tình cảm của từng con chữ trong tác phẩm.
Những bài chính luận ngút lửa của các tác giả Hồng Hà, Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Trần Đình Vân... hay những phóng sự từ chiến trường của các phóng viên Đài TNVN gửi về như được hun nóng hơn qua giọng đọc Kiên Cường. Chính điều đó đã lôi cuốn sự chú ý đặc biệt của quần chúng. Hàng ngàn cánh thư từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về bày tỏ sự đồng cảm với ông.
Có một chuyện, bây giờ mới ông Kiên Cường mới kể, đó là giọng đọc đanh thép và có lửa của ông đã làm kẻ thù lung lạc ý chí, chúng đã gửi cho ông những bức thư từ phía bên kia với giọng vừa nể phục, vừa hăm dọa. Ông kể: Thường thì sau mỗi lần phát sóng bài tổng động viên, hay bình luận đấu tranh dư luận... thì thư thính giả gửi về nhiều trong đó có những bức thư của "phía bên kia". Chúng hăm dọa đủ điều... nhưng lúc đó tôi không sợ chút nào. Thực ra, lúc lấy nghệ danh là Kiên Cường khi vào Đài cũng là vì muốn mình có bản lĩnh trước những điều như vậy.
Phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cũng giống như người lính trực chiến. Có tin mới là sẵn sàng rời nhà, đội mũ sắt phóng xe đạp đến phòng phát thanh đọc thẳng. Ông Kiên Cường kể: Ngày ấy, tức là vào cái thời điểm năm 1972, có khi suốt cả tháng trời ông trực tại phòng phát thanh ở phố Bà Triệu. Vợ và các con đi sơ tán cả, cơ quan cũng sơ tán một phần chỉ còn lại các phóng viên Thời sự và phát thanh viên. Tất cả luôn ở trong tư thế sẵn sàng.
Có nhiều hôm Kiên Cường đọc tin chiến sự cùng Minh Lý, Tuyết Mai, Hoàng Yến... trong tiếng bom rung cửa kính phòng thu thanh. Nhớ nhất là đợt máy bay B52 của Mỹ ném bom Hà Nội, chúng nhằm thẳng Đài phát thanh ở phố Bà Triệu mà đánh phá. Nhưng bom Mỹ không lung lay ý chí của những người phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cả một giai đoạn chống Mỹ ác liệt, ngày cũng như đêm tiếng nói thân thương của họ vẫn đến với thính giả cả nước. Ông Kiên Cường tâm sự: Đã bước vào phòng phát thanh trực tiếp thì không sợ gì hết. Đóng cửa vào thì như mình đã bước vào con tàu vũ trụ. Chỉ khi nào thấy bom nổ mạnh, rung cửa kính thì biết nó đang thả bom. Chúng tôi không hề sợ bởi làm việc gì cũng phải có niềm tin và sự bình tĩnh. Điều đó giúp chúng tôi vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Phát thanh viên (PTV) Kiên Cường đã từ trần ngày 4/7/2024.
PTV Kiên Cường tên thật là Hàn Đức Trọng sinh năm 1932 tại Hà Nội. Ông tham gia Cách mạng từ năm 1945. Sau khi tham gia chiến dịch Tây Bắc, Hòa Bình, tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1958 ông về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và trở thành một phát thanh viên với giọng đọc chính luận nổi tiếng.
Những bài bình luận của ông đọc trên Đài TNVN những năm kháng chiến chống Mỹ đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh của cuộc đấu tranh tư tưởng trên làn sóng phát thanh.
Cùng với các giọng đọc nổi tiếng như Việt Khoa, Tuyết Mai, Nguyễn Thơ, PTV Kiên Cường đã trở thành những tên tuổi không thể nào quên của các thế hệ thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến 1975.
Tang lễ PTV Kiên Cường được tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu nghị Viêt - Xô Hà Nội lúc 07h00 ngày 8/7/2024. An tang tại Công viên Nghĩa trang Thiên Đức, Phú Thọ cùng ngày.