Tào lao với Trần Đăng Khoa

(VOV5)- Ngày trước nhắc đến lão Khoa, tôi cứ tưởng tượng hẳn nhà thơ phải phong độ lắm. Gặp! Mới vỡ lẽ, chẳng hề như tưởng tượng...

Tại lễ kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 – 7/9/2014), lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam trao danh hiệu “Cây bút VOV” cho 5 nhà báo đang công tác đó là nhà báo Trần Đăng Khoa, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Đài TNVN; Nhà báo Uông Ngọc Dậu, Giám đốc hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp VOV1; Nhà báo Ngô Thiệu Phong, Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đồng bằng sông Cửu Long; nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam; Nhà báo Trần Nhật Minh, Phó Giám đốc Hệ văn hóa – Đời sống – Khoa giáo – VOV2. Chuyên mục “VOV- Chuyện người, chuyện nghề” trân trọng giới thiệu chân dung nhà báo Trần Đăng Khoa.

Cái lão nhà thơ lắm việc

Phỏng vấn lão Khoa tưởng dễ mà khó, tưởng thú vị mà rồi lại chẳng hề thích thú gì. Đến cơ quan lão, “âm mưu” làm cuộc phỏng vấn mà đến giờ vẫn ấm ức. Giành giật mãi mới được mấy tiếng ngồi với lão mà cửa phòng lão cứ toang hoang, người ra người vào chóng mặt.

Lão cứ trả lời được một câu là lại có kẻ ập vào “quấy rầy”. Lão phải đứng lên ngồi xuống liên tục, chân đất đi ra đi vào, riêng cái chuyện bắt tay đón khách, chào khách cũng đủ mệt. Thế mà lạ, mặt lão cứ hơn hớn. Nếu lão cởi trần thì thành chú Tễu. Túi bụi thế mà chẳng nhăn nhó gì, cứ cười phớ lớ… Nhân viên và khách đến với lão là vui như tết.

Câu chuyện cũng hay ho lắm nhưng ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Thỉnh thoảng có những cuộc gọi điện thoại đến, lão lại bảo đang có một nữ phóng viên tra khảo. Thế mới oan uổng chứ. Phỏng vấn thì ít mà ngồi… đếm khách thì nhiều, mà lão cứ “quy chụp” hoàn toàn cái buổi chiều nay, lão thuộc về tôi!

Tôi cứ phải tranh thủ “đuổi” khéo khách của lão để giành lấy thời gian chứ không thì chắc lại phải lọ mọ tìm lão lần khác. Trước khi ra về tôi nói với lão: “Này anh, em là mang tiếng lắm nhé. Tiếng “ăn cướp” của anh một tí thời gian mà có cướp được anh cho riêng mình đâu, toàn bị “hớt tay trên”. Lão Khoa cười: “Ừ, thím thông cảm cho. Anh như cái mõ làng, ai cũng “gõ” được!”…

Giọng của lão tha thiết và ấm áp!

Tào lao với Trần Đăng Khoa - ảnh 1
Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa

Bắt đầu từ cái máy ghi âm

Đó là cái máy ghi âm lão Khoa tặng tôi. Chuyện cũng từ cái buổi phỏng vấn đó. Tôi và lão ngồi trò chuyện, ngồi nhiều quá, véo von nhiều quá nên máy ghi âm đầy, không ghi tiếp được… nó không xịn, thành thật thế.

-         Phóng viên đi làm việc thì phải dùng cái máy tử tế. Máy của thím là đạo cụ diễn kịch. Thím phải nhớ thím là phóng viên chứ không phải là diễn viên…

-         Dạ, vâng – Nói thế nhưng trong đầu tôi thì thầm nghĩ: Ồ, cái lão này đúng là ở trên giời. Người ta mới chân ướt chân ráo vào nghề… Tiền lo thuê nhà còn đang… toát cả mồ hôi đây. Sắm được máy ghi âm Tàu là oách rồi. Mua máy chuyên nghiệp thì… nhịn đói à!

Chuyện tưởng chỉ có thế. Một vài ngày sau đó, lão Khoa điện thoại và báo tin là lão vừa mua tặng tôi một cái máy ghi âm tốt hơn. Cái Lão này thoáng thế, quen thân gì đâu mà mua quà. Nhưng mà mấy khi được thần đồng tặng quà, tặng một câu thơ đã mừng run rẩy nữa là một cái máy ghi âm kỹ thuật số. Đó là một kỷ niệm – Tôi nghĩ thế.

Cái máy ghi âm thuộc sở hữu của tôi vào một vài ngày sau đó, trong chuyến rong ruổi vào Sài Gòn tham gia buổi giao lưu “Nhà báo và người lính” do Tạp chí Nghề báo tổ chức. Lão Khoa bảo tôi: Cuối năm bận lắm nhưng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mời thì bỏ hết. Hóa ra lão rất quý nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Lão còn bảo: Thím muốn học nghề thì cứ tìm các tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố, Phạm Quỳnh, Hữu Thọ, Nguyễn Trần Bạt, Trần Đăng Tuấn, Đỗ Doãn Hoàng, Huỳnh Dũng Nhân, Phan Vàng Anh ở cuốn “Trường hợp chị Thỏ Bông”, Nguyễn Quang Lập ở “Ký ức vụn”, Hoàng Anh Sướng ở “Bùa ngải xứ Mường”. Cứ đọc thẳng tác phẩm của họ rồi tìm ra cách viết riêng của mình…

Còn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hôm trước gọi điện thì bảo tôi: Đi cùng anh Khoa ra sân bay cho đỡ tốn tiền em nhé. Lão ấy có xe riêng. Thế là tôi “bám càng” cái lão Khoa giàu có này.

 

Ngày trước nhắc đến lão Khoa, tôi cứ tưởng tượng hẳn nhà thơ phải phong độ lắm, chỉn chu lắm. Giờ Trần Đăng Khoa là một cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam thì tôi lại càng chắc nịch, cái ông này hẳn nguyên tắc lắm, ngạo nghễ lắm, bóng lộn lắm… Gặp! Mới vỡ lẽ, chẳng hề giống tưởng tượng. Lão Khoa bụi bặm, đời thường đến mức, có cảm giác lão chả bao giờ biết… làm đẹp. Nhưng nhiều người mê lão vì cái tính chân chất, giản dị… Lão bảo, thím cứ nhắm mắt lại mà ngắm, sẽ thấy anh rất đẹp giai, còn cứ mở mắt mà nhìn thì anh tởm lắm. Kinh lắm. Tôi nghĩ, lão đẹp bởi những điều rất nhỏ, xin góp mấy mẩu chuyện về lão thần đồng thơ.

 Tớ già, ngoài 70 rồi

Không như suy nghĩ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, lão Khoa đi taxi.

-         Tưởng anh có lái xe cơ quan đón chứ? - Tôi hỏi.

-         Vất vả nó ra, mình đi việc riêng thì sao lại dùng xe cơ quan – Lão trả lời tỉnh bơ. Anh lái taxi cũng chen vào:

-         Bác việc gì phải vất vả. Cháu thấy người ta có quyền chức thì tận dụng của công nhiều lắm.

-         Tớ thì không ham mấy thứ đó. Hầu như chẳng bao giờ mình dùng đồ cơ quan, kể cả điện thoại bàn. Đi đâu làm việc riêng thì gọi Tắc. Rất đàng hoàng, tiện và thanh thản.

-         Bác đi nhiều sao không mua ô tô? – Anh lái xe tò mò.

-         Thì tớ cũng đang đi ô tô đây thôi. Có xe lại khổ vì xe. Để mua một cái xe tử tế, phải có ít nhất cũng hơn tỷ bạc. Dùng tiền đó, đi taxi, có phải sướng không? Mà đi đến bao giờ mới hết được hơn tỷ bạc. Có ô tô, loạng quạng húc nhau thì khốn. Mình chết không sao. Nhưng người khác chết vì mình thì mình tàn đời. Đền ba chục triệu lo đám tang là xong, nhưng mình sẽ không bao giờ yên vì day dứt, ân hận. Sẽ không bao giờ còn yên ổn được nữa. Vì mình là một kẻ giết người…

-         Dạ. Xin phép được hỏi, bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ? – Anh lái xe chân tình.

-         Tớ ấy hả? Ngoài 70. Già mõm ra rồi.

-         Ngoài 70 mà trẻ thế ạ?

-         Cậu thấy tớ trẻ à? Nhiều cô còn hỏi tớ: “Bố đi mỹ viện ở đâu mà nõn thế? Tớ bảo, bố tự vôi ve đấy! Loại mỹ phẩm nào ạ? Mỹ phẩm của giời. Cứ không thù ghét ai, không ham hố quyền chức, tiền bạc, không bực giận cáu gắt, thì mặt mũi lúc nào mà chả phừng phừng hơn hớn. Làm sao mà sầu héo được. Bệnh tật, già yếu, suy cho cùng cũng chỉ là lệch nhịp, mất cân bằng sinh thái mà thôi…

Xuống taxi tôi hỏi ngay:

-         Anh mà ngoại thất tuần rồi sao. Thật không?

-         Thì cứ nói thế, mình mới được khen là trẻ chứ. Chẳng mất một xu mà được cải lão hoàn đồng. Nói thật tuổi, bọn trẻ nó lại thương lão già: “Ối giời, bố lao động trí óc từ bé. Bố già quá, mà lại già không đều. Bụng bố phệ. Trán bố hói. Mắt bố lờ đờ như mắt cá chết. Nghe cứ ghê cả răng.

Hóa ra là thế! Giờ mới biết có một lão Khoa không chỉ là thần đồng mà còn có phép “cải lão hoàn đồng!”.

Đám tang Trần Đăng Khoa

Câu chuyện về đám tang được lão Khoa kể vào cái buổi đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn. Ôi cái lão nhà thơ lạ đời chưa! Lão đã có hẳn một kịch bản về cái ngày lão “thăng thiên”. Lão bảo tang lễ mà buồn thì chán quá. Đã mất người rồi còn mất thêm nữa vì buồn thảm. Khổ quá. Có thể biến nỗi buồn thành niềm vui được không? Khi nào thăng thiên, lão sẽ làm “thí điểm”.

Lão đã viết sẵn kịch bản tiễn đưa lão. Lại còn có cả thơ. Lão sẽ dặn lại như sau: Trần Đăng Khoa chỉ là Trần Đăng Khoa khi lão còn sống (tức là thở ra và hít vào), khi không hít thở nữa thì đấy không phải là Khoa. Vì thế lão không chịu trách nhiệm về cái đống bầy hầy ở trong quan tài. Đó không phải lão. Dứt khoát không phải lão. Vì thế không nên nhìn nào. Ghê chết đi được. Tốt nhất thiêu ngay rồi cho vào cái niêu đất chôn dưới gốc khế. Vì xưa nay, chó mèo chết đều như thế cả. Trước khi cho lão vào bếp lò, thì đọc giúp lão bài thơ vái biệt như sau:

Bao năm ròng mệt mỏi

Xuống xứ này rong chơi

Giờ ta làm ngọn khói

Õng ẹo bay về giời…

Ông cán bộ… tiếc của

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra đón chúng tôi ở sân bay rồi đưa vào nhà hàng ăn trưa. Lão Khoa được chỉ định chọn món trong bữa ăn nhưng đến 10 phút lão chẳng gọi được cái món nào cả ngoài món rau lang luộc… Đến khi Huỳnh Dũng Nhân chọn món thì lão chê hết món này món nọ.

Lão hỏi: Có ốc không? Món này ngon mà rẻ lắm.

Trời đất, mất một chuyến bay vào Sài Gòn mà chọn món ốc cho rẻ trong khi một menu sơn hào hải vị mà lão không ngó ngàng – tôi nghĩ.

Té ngửa, hóa ra cái lão nhà thơ tiếc tiền cho lão nhà báo. Mấy món vừa gọi hấp dẫn thế mà lão cứ xuýt xoa không gọi. Hàng ngày đi ăn với ai, lão cũng tranh trả tiền. Giờ lão lại kẹt xỉ thế. Cán bộ Nhà Đài hoành tráng thế, ai ngờ cũng ky bo. Mà ky bo, hà tiện cho chủ nhà mới buồn cười chứ. Lão bảo, mình trả tiền thì thoải mái, nhưng ở đây, chắc mình không làm thế được, để chủ nhà trả tiền lại toàn món đắt thì mình ăn mất cả ngon.

Lại nói về cái chuyện tiếc của, Lão Khoa cứ kêu ca cái vụ ở Khách sạn Rex Sài Gòn sang trọng quá, tốn kém quá. Mà cái tấm thân khố tải của lão thì nhét vào bờ bụi nào cũng được. Vẽ! Huỳnh Dũng Nhân chu đáo hết sức, bố trí thuê mấy phòng ở Rex – khách sạn sang trọng nhất Sài Gòn cho chúng tôi làm lão nhà thơ cứ ngậm ngùi xa xót…

Lão Khoa này thật lạ, chỉ tiếc tiền của người khác.

Lão nhà thơ mê công nghệ

Ở cái tuổi ngoài 50, ngót nghét… 60 rồi, nhưng có cái máy nào mới ra, nào là ipod, ipad, Samsung Galaxy, Canon, Nikon, hay Sony… dù đắt tiền, lão cũng phải mua bằng được rồi mày mò, tìm hiểu, khám phá. Cái sự chuyên nghiệp nghịch đồ điện tử và mê công nghệ của lão quả thật đáng nể nhưng tôi cũng đến… khốn khổ với sở thích “giời đày” của Lão.

Tôi và lão lang thang Sài Gòn trước ngày chương trình giao lưu diễn ra. Chúng tôi đi bộ để ngắm Sài Gòn. Sài Gòn nắng đẹp. Lão bảo: Anh muốn đi tìm cái micro SD 32 GB.

Ròng rã gần một buổi chiều mà không cửa hàng điện tử nào bán loại đó. Lão Khoa thì cứ mê mẩn, tôi thì chỉ muốn “bốc hơi” vì mệt quá. Lão đi giày bệt, còn tôi đi giày cao gót, toét cả chân.

Đến hôm sau, lão Khoa bảo: Thím này, hay là chúng ta tìm trong siêu thị xem sao. Cái loại này mới ra, ở Hà Nội chưa thấy, nghe thiên hạ đồn trong này đã có rồi.

Ối giời ơi, cái lão nhà thơ quý hóa. Cả một buổi chiều mà chẳng có, Lão định xơi tái thêm một ngày nữa vì một cái máy… thiên hạ đồn! – Tôi nghĩ thầm thế.

Tôi mượn Tổng Biên tập Huỳnh Dũng Nhân một cái xe máy để tôi và Lão Khoa đi. Cuộc “săn lùng” này diễn ra êm ả và nhanh chóng hơn hôm trước nhưng cũng không kém phần vất vả! Hai anh em lượn lách đánh võng khắp quận 1, vào các siêu thị điện máy lớn mà chẳng moi đâu ra được cái loại mà Lão cần. Cửa hàng nào cũng lắc đầu bảo: Cái loại 16GB thì có nhưng 32GB thì bọn em ít lấy lắm vì vừa đắt mà lại ít người mua.

-         Ừ thôi thím à, bọn này chẳng biết gì cả. Thế giới người ta dùng… thải cả ra rồi mà mình vẫn còn chưa thấy cái đồ thải loại. Thôi đành về Hà Nội chờ xem – lão quay ra bảo tôi.

-         Thế có khốn khổ không, cái Lão nhà thơ Việt Nam này thật là … quái quỷ - Tôi bắt đầu than thở trong dạ.

Thế đấy, có một chuyến rong ruổi vào Sài Gòn với nhà thơ, kể ra thì còn khối chuyện… Chuyện rời rạc, chẳng đầu, chẳng cuối. Nhưng đúng là Trần Đăng Khoa thật sự ở ngoài đời. Tôi không tạo dựng, mà chỉ xén ra mấy mẩu rồi ghi lại theo kiểu văn nói, thấy gì nói thế. Vậy thôi./.

Phản hồi

Các tin/bài khác