Trần Đăng Khoa: Hannah Hà Nội cần được tôn vinh

(VOV5) -  Với những người lính Mỹ, giọng đọc của Hanna Hà Nội như giọng của bà, của mẹ, của vợ, người tình thủ thỉ bên tai những câu chuyện của nước Mỹ.

Còn nhớ năm ngoái, báo điện tử VOV có đưa một tin buồn: “Bà Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên nổi tiếng một thời của Đài Tiếng nói Việt Nam đã từ trần vào hồi 5 giờ 15 phút sáng ngày 30 tháng 9 năm 2016, hưởng thọ 87 tuổi.

Tham gia chương trình phát thanh tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam với tư cách Phát thanh viên và Biên dịch viên, bà được phân công thực hiện chương trình Mỹ vận, tức buổi phát thanh dành cho các binh sĩ Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam… Lập tức, các hãng truyền thông phương tây, đặc biệt báo chí Mỹ đều đồng loạt đăng lại “cáo phó” này. Rất hiếm có một nhân vật nào của Việt Nam lại được thế giới chú ý đến như vậy. Hãng CNN làm cả một bộ phim khá bề thế nói về sự ảnh hưởng của bà đối với binh lính Mỹ ở chiến trường Miền Nam Việt Nam những năm 60, 70.

hannah ha noi ve dep khong mat can duoc ton vinh hinh 1
Bà Trịnh Thị Ngọ, giọng đọc huyền thoại của Đài Tiếng nói Việt Nam.


Ở thời điểm ấy, cục diện chiến trường đang chuyển hướng mạnh mẽ. Lính viễn chinh Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam Việt Nam. Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp với Cục địch vận tổ chức một chương trình tiếng Anh dành riêng cho lính Mỹ, lấy tên: Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ. Các buổi phát thanh địch vận bằng tiếng Anh do bà Trịnh Thị Ngọ biên dịch và trực tiếp lên sóng. Câu mở đầu của chương trình: “Đây là Thu Hương, trò chuyện với binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam.”

Lúc đầu buổi phát thanh chỉ có 5-6 phút và mỗi tuần cũng chỉ phát sóng 2 buổi, sau tăng dần thời lượng, mỗi ngày có 3 chương trình, mỗi chương trình dài đến 30 phút. Điều đặc biệt, các chương trình phát thanh binh vận mà Trịnh Thị Ngọ phụ trách lúc bấy giờ khác hoàn toàn với cách tuyên truyền của chúng ta thời ấy. Theo các cựu chiến binh Mỹ, thoạt đầu họ không nghe và còn cảm thấy khó chịu, vì cho rằng đó chỉ là binh vận, là đòn tâm lý chiến của Việt cộng. Nhưng rồi sâu đó, họ không thể không nghe. Một giọng nói dịu dàng, da diết như mẹ nói với con.

Chính Phillipe Caputo, một cựu binh Mỹ nói rằng, tôi cảm tưởng như đấy là giọng của bà tôi, mẹ tôi, vợ tôi, người tình của tôi đang ngồi bên tôi, thủ thỉ với tôi những câu chuyện của nước Mỹ vào mỗi buổi tối. Và có lúc, tôi lại thấy đấy là lời Đức Mẹ chứa đầy lòng vị tha. Vì thế người lính nào của nước Mỹ có mặt tại chiến trường của Việt Nam những năm ấy cũng chỉ chờ đến giờ phát sóng để nghe. Và họ gọi Thu Hương là Hannah Hanoi. Hoặc Hanoi Hannah.

Tôi còn nhớ dịp tháng 9 năm 2010, trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng tôi có làm một bộ phim truyền hình dài 3 tập về sự ra đời và phát triển của Đài, sau đó rút lại còn 30 phút, rồi chắt lọc thêm nữa, chỉ còn 15 phút để chiếu cho khách đến thăm. Dù chỉ còn một thời lượng rất ngắn, vẫn có hình ảnh phát thanh viên, biên tập viên Trịnh Thị Ngọ. Năm đó bà Ngọ đã ở tuổi 80. Bà nói rất chân thành: “Tôi đang đi những bước cuối đời rồi. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn là biên tập viên, phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam”. Người xem cũng chỉ biết bà là nỗi ám ảnh của lính Mỹ ở chiến trường Việt Nam. Họ gọi bà là “Mụ phù thuỷ trên làn sóng phát thanh”. Nhưng cụ thể thế nào thì chúng tôi không biết. Ngay cả chính bà cũng không biết.

Vừa rồi, tình cờ, tôi tham gia Hội đồng Giám khảo phim tài liệu của Liên hoan phim “Cánh diều vàng”. Trong gần 100 tác phẩm từ phim nhựa đến video, có phim tài liệu: “Âm thanh biến mất” của Đạo diễn Hồ Nhật Thảo, Đài Phát thanh truyền hình Quảng Ngãi. Hồ Nhật Thảo là một đạo diễn trẻ có tài. Anh có nhiều phim hay được đồng nghiệp đánh giá cao. Bộ phim tài liệu của anh lần này không đưa vào xét giải, vì thủ tục và bản quyền. Nhưng theo tôi đây là bộ phim rất đặc sắc. Cái hay của nó lại là ở tư liệu. Rất nhiều tư liệu cực quý về chiến trường miền Nam, nhìn từ phía Mỹ, đặc biệt là tư liệu về Trịnh Thị Ngọ, mà có thể chính bà cũng không biết.

Năm 1967, khi chiến trường Miền Nam đang rất nóng bỏng, một phóng viên CNN xin phép gặp bà và được “Chính phủ Hà Nội” cho phép. Anh ta có hỏi bà có biết bà có tác động như thế nào với lính Mỹ không? Bà bảo, bà không nhận được hồi âm, “nhưng tôi biết là họ có nghe”. Thực chất, không phải họ “có nghe”, mà ngày nào họ cũng chỉ chờ để nghe tiếng nói của bà và tin tức nước Mỹ từ bà. Rồi dần dần bà thành nỗi ám ảnh.

Floyd F. Dickerson, một lính hải quân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, sau chiến tranh đã viết trong cuốn hồi ký của mình: “Trên tàu đến Việt Nam, trước tiên chúng tôi dừng lại tại GUAM, một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Thái Bình Dương, để nạp tên lửa. Sau đó chúng tôi đi tiếp nhiều ngày nữa mới tới Việt Nam. Chúng tôi cho tàu chạy vào Vịnh Bắc Bộ, nơi chúng tôi sẽ nhận nhiệm vụ. Kinh khiếp nhất là vừa vào vịnh, chúng tôi đã nghe thấy giọng nói một nữ phát thanh viên trên đài Việt Nam chào đón chúng tôi. Cô ta đọc tên con tàu chúng tôi rồi nói: “Chào mừng các bạn đã đến Việt Nam, chỉ tiếc TẤT CẢ CÁC BẠN ĐANG ĐI VÀO CHỖ CHẾT!”. Tôi tự hỏi kiểu chào mừng gì mà lạ thế này? Chúng tôi cảm thấy kinh ngạc và bị sốc đến sởn cả gai ốc. Nghe người phụ nữ này nói, chúng tôi đều tự hỏi rằng làm thế nào cô ta biết tên con tàu của chúng tôi và và bằng cách nào lại biết được chúng tôi vừa đến Vịnh Bắc Bộ.

hannah ha noi ve dep khong mat can duoc ton vinh hinh 2
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ. 


Người phụ nữ trên radio, sau này chúng tôi gọi là “Hanoi Hannah”, bắt đầu đọc tên các thành viên thủy thủ đoàn trên tàu, nói với mọi người rằng họ sắp sửa phải chết. Nghe cô ta xướng tên cứ như thể đang cầm trên tay danh sách thủy thủ đoàn của chúng tôi vậy. Thấy tên mình vang lên trên đài phát thanh của Việt Nam quả là rất sợ, nhưng chúng tôi vẫn thắc mắc không hiểu cô ta lấy những cái tên đó ở đâu ra. Không ai trong chúng tôi biết đích đến của mình, kể từ khi ra khơi cho đến lúc tới đây. Chỉ có nhờ cô, chúng tôi mới biết chúng tôi có mặt ở Vịnh Bắc Bộ Việt Nam. Nhưng tại sao cô biết? Quả là một bí ẩn, vì từ khi chúng tôi rời nước Mỹ đến đây chỉ dừng chân hai lần ở Guam và Francisco. Sau này, chúng tôi phán đoán, có lẽ cô ta biết tên của thủy thủ đoàn là nhờ rác thải mà chúng tôi đổ xuống biển trên đường tới đây.

Mỗi ngày tàu chúng tôi đều phải đổ rác xuống biển và trong đó có những bảng phân công trên tàu. Trong bản phân công đó có kê tên tất cả mọi người. Thuyền trưởng của chúng tôi đã nhanh chóng xử lý tình huống này. Ông cho bố trí những thùng hỏa thiêu ở đuôi tàu và ra lệnh tất cả rác thải đều phải đốt trước khi ném xuống biển”. Tưởng thế là hết. Ai ngờ Tom Wallace, một binh sĩ Mỹ đóng quân ở Tây Nguyên đã kể lại rằng, anh đã được nghe Hanoi Hannah gửi lời chúc mừng sinh nhật lần thứ 22 của một trung úy Mỹ ở đơn vị của anh. Nhưng buồn và oái oăm thay, người lính Mỹ này đã bị chết vì lựu đạn trước đó vài ngày. Viên trung uý kia đã không nghe được lời chúc sinh nhật của Hanoi Hanah, nhưng bạn bè của anh ta đều nghe thấy hết. Và lời chúc mừng sinh nhật của một cô gái Việt Nam gửi cho một thanh niên Mỹ đã chết đã tạo nên một nỗi ám ảnh khủng khiếp. Lính Mỹ bàng hoàng, rệu rã. Họ dường như buông súng. Chỉ tìm cách tránh cái chết vô ích. Và họ luôn đợi chờ giọng nói của Hanoi Hannah và họ cầu nguyện được sống để nghe lời chúc mừng sinh nhật của cô.

Cũng qua cô, họ biết được tin tức của nước Mỹ, biết được những cuộc đàn áp biểu tình, đàn áp những người da màu, và còn rất nhiều những thông tin khác mà truyền thông Mỹ giấu biệt đi. Mike Robert, một lính Mỹ người da đen cũng đã kêu gọi anh em da đen buông súng khi biết biết được chính quyền Mỹ đàn áp người da đen nổi dậy ở Detroit tháng 7/1967. Ông nói: Chính từ đó tôi mới thật sự nghe Hannah ở Hà Nội và tôi kêu gọi lính da đen suy nghĩ lại về tình trạng của mình ở Việt Nam. Tại sao các anh lại tham chiến ở đây? Các anh có cuộc chiến của chính bản thân các anh ở nước Mỹ cơ mà. Sau khi kết thúc chiến tranh, bà Trịnh Thị Ngọ trong cuộc trả lời phỏng vấn một nhà báo người Mỹ, đã tiết lộ rằng: những thông tin dùng để phát trong chương trình dành cho lính Mỹ đều được lấy từ chính những tờ báo nổi tiếng của Mỹ như Stars and Stripes, Times, hay Newsweek. Nhiều lính Mỹ thậm chí còn hoang đường tin rằng Hanoi Hannah không những biết được số phận của họ, mà còn biết được mọi ngóc ngách trong cõi riêng tư của họ nữa, ví như bạn gái của họ ở Mỹ có lừa dối họ không, và cô ta có trở về nhà cùng với ai không. Hanoi Hannah Trịnh Thị Ngọ đã thành nỗi ám ảnh đối với binh sĩ Mỹ.

Thứ Năm ngày 31 tháng 8 năm 1967, tờ Tin tức Buổi tối của Mỹ phát hành tại New York đăng bản tường thuật đặc biệt có tựa đề “Chương trình phản chiến của Hanoi Hannah” của nhà báo David Schoenbrun, người đã may mắn được chính quyền miền Bắc Việt Nam cho phép tiếp cận đài Tiếng nói Việt Nam và gặp bà Trịnh Thị Ngọ, là phát thanh Thu Hương của chương trình Mỹ vận, mà người Mỹ gọi là Hanoi Hannah.

Đó là lời cảnh báo của truyền thông Mỹ về mối đe dọa từ chương trình phát thanh của chính quyền miền Bắc Việt Nam đến toàn bộ lính viễn chinh Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam, nơi lính Mỹ phải đối mặt với nỗi sợ hãi mênh mông, đối mặt với sự suy sụp về tâm lý; đối mặt với lý tưởng mơ hồ; đối mặt với cái chết. Một lính Mỹ cũng thú nhận: “Ở đây, nỗi sợ hãi dường như bao trùm tất cả. Sợ hãi ẩn náu khắp nơi, sẵn sàng choáng tâm trí ta bất cứ lúc nào. Kiệt quệ đến tê liệt. Bây giờ, chúng tôi chỉ còn một mục tiêu duy nhất: Làm thế nào để sống sót.”

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Năm 1992, tôi có một thời gian dài sống ở Chicago, ở trong ngôi nhà của nhà văn Larry Heinemann, một tiểu thuyết gia của Mỹ. Ông nói với tôi rằng, một lúc nào đó ông sẽ quay trở lại Việt Nam, chỉ để tìm Hannah Hanoi để trò chuyện với bà, để xin được ở trong ngôi nhà, thậm chí một góc nhà của Hannah Hanoi để được nghe giọng nói của bà vang lên hàng ngày, với chồng con, với bạn bè, với hàng xóm thậm chí với một con chó, con mèo bà nuôi trong nhà. Để hiểu xem điều gì đã làm nên sự kỳ diệu và cả sự ám ảnh ma mị của giọng nói đó. Và tôi biết đấy là một trong những ám ảnh lớn nhất đối với những cựu binh Mỹ: ám ảnh từ một giọng nói, một giọng nói qua làn sóng của phát thanh, một giọng nói mà họ thấy rằng nó không đến từ Hà Nội mà nó đến từ xung quanh họ. Nó đến từ rất nhiều phía. Như Kevin Boen, một nhà thơ Mỹ đã nói: tôi cảm giác giọng nói đấy đến từ trong chính đầu tôi, trong chính lòng tôi”. Qua đó, chúng ta biết được sức mạnh của Biên tập viên, phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ.

Đằng sau bà là cả một tập thể những nhà báo tài năng của Ban Đối ngoại những năm chiến tranh. Sức mạnh của họ bằng cả mấy binh đoàn chủ lực ngoài mặt trận. Có lẽ vì thế, tôi thiết tha mong Đài Tiếng nói Việt Nam, làm thủ tục đề nghị Nhà nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân cho cho cá nhân bà Trịnh Thị Ngọ và trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Biên tập Phát thanh Địch vận, là những người cộng sự của bà.

Cám ơn đạo diễn Hồ Nhật Thảo. Nhờ có bộ phim tư liệu của anh mà chúng ta biết rõ hơn vẻ đẹp của của một phóng viên, phát thanh viên Việt Nam và kênh Phát thanh đối ngoại ngày xưa, tiền thân của VOV5 bây giờ. Đó là những vẻ đẹp không bao giờ tàn úa…


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác