(VOV5) - Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi gặp anh Trần Nhật Lam.
Duyên do là, từ đơn vị, tôi gửi 6 bài thơ ngắn, mà tôi gọi cho nó “có chữ”, là 6 bài “đoản thi”, qua phong bì bưu điện, về Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam, vì cũng chẳng biết gửi riêng ai! Anh Vũ Quần Phương, lúc ấy ở đó, đọc được, rồi “đích thân” giới thiệu cả 6 bài ấy trên sóng phát thanh. Sau, anh Phương kể thế, tôi vẫn biết ơn từ đó đến giờ. Sau, tôi lại gửi cái truyện thơ thiếu nhi dài-“Chú bé trốn học và cây cột thép bồ côi”-về Đài, nó lại được dựng thành truyện thơ-phát thanh. Hình như anh Lê Đình Cánh làm việc này?
Nhà thơ Trần Nhật Lam
Nhân về Hà Nội, tôi đến Đài lấy nhuận bút và qua thăm Ban Văn nghệ. Ở đó, lần đầu tôi gặp hầu hết các “yếu nhân” của Ban: Nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ Trần Nhật Lam, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhà thơ Lê Đình Cánh, nhà thơ Trúc Thông, nhà thơ Trần Nguyên Vấn...Sau này (2004), tôi chuyển ngành sang Đài TNVN và gặp thêm các anh Phan Quang, Trần Thiên Nhiên..., những “tên tuổi” của Đài về Văn và Nghệ. Khi ấy, nhiều anh đã nghỉ hưu nhưng vẫn viết cho, thậm chí biên tập giúp, tờ Tiếng nói Việt Nam mà tôi kế nhiệm làm. Chỉ tiếc rằng, do ngân sách eo hẹp của một đơn vị “hành chính có thu”, tôi đành phải “cắt”, không dám mời các anh ấy biên tập giúp báo nữa! Không những thế, tôi còn phải xin ý kiến Tổng Giám đốc Đài, “cắt” cả biên chế của “Hội đồng biên tập” (vốn có cả Tổng Giám đốc), để “giảm chi”, và mọi người, mọi ban trong Đài, từ đó, muốn có Tiếng nói Việt Nam để đọc, đều phải mua, chứ không phát không như trước nữa. Tôi nghĩ, thế là “sòng phẳng”. Nhưng ở đời, cứ ở đâu nhiều “sòng phẳng” là y như ở đó lắm “mất lòng”. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ thấy các “tên tuổi” Văn nghệ nhà Đài “mất lòng” vì việc ấy.
Thế mà mãi đến tháng 8 năm nay, nhân đến Đài đóng kịch, tôi mới được con trai anh Trần Nhật Lam, thay mặt cha, tặng tôi tập thơ của anh, tập thơ mà con cháu anh phải vận động mãi, anh mới chịu in ra. Đó là tập Mỗi ngày sau một ngày, nộp lưu chiểu tháng 11 năm ngoái!
*
* *
Trước khi đọc tập thơ, tôi ngồi “nhớ lại” anh Lam một hồi. Đó là một người khá cao, gày gò, để ria-ria đẹp; có đôi gò má, cổ và yết hầu của kiểu người “cốt hạc”. Đặc biệt, đôi mắt anh rất sáng, luôn nhìn thẳng vào mắt người đối thoại. Đôi mắt ấy, ngoài các từ “tinh anh”, “kỹ tính” và “tử tế”, thì khó còn những từ nào tả đúng hơn.
Anh Lam ít nói, trừ khi gặp những đề tài thú vị. Anh nói vừa nghe, và chậm, như là vừa nói vừa chọn từ để khỏi thừa/thiếu vậy. Tôi nghĩ, anh là người tự trọng, thận trọng và tôn trọng người nghe. Người như vậy, làm thơ, ắt rất cẩn trọng và dù tình cảm đến mấy, cũng thường nghiêng hơn một chút, về phía lý trí -tư duy. Tôi tự hỏi, có phải vì thế, mà anh không “ồn ào” trong văn giới? Mà anh không tranh đua in, viết? Mà anh lặng lẽ nghe, làm? Mà anh muốn có nhiều sự “tử tế” trong thơ và muốn những thành công trong văn nghiệp của mình phải được cân bằng với sự thư thái, thanh thản, tao nhã, kinh lịch...
*
* *
Nhớ anh một hồi, tôi mới đọc thơ anh, để xem mình đoán có đúng không.
Thì đây: Có đơn giản thật không?/ Nếu chẳng may/ Một ngày/ Quả trứng hồng ước vọng/ Lại bất thường quẫy đạp/ Nở ra con ác điểu/ Nở ra bóng tối.../ Có đơn giản thật không?/ Chính anh/ Và tôi/ Ta cũng là quả trứng/ Được nằm im trong ổ/ Được nâng niu giữa cánh tay hiền thiện/ Để anh/ Và tôi/ Phải rồi/ Lại nở ra hiền thiện ở trong đời.
Anh Lam! Xưa Quản Trọng bảo với Tề Hoàn Công: “Yêu điều thiện là đúng, nhưng ghét cái ác quá là không phải”. Cho nên sống ở đời, làm vua hay làm dân cũng thế thôi, phải cố gắng từng ngày để sao cho trên đời, phần thiện phải lớn hơn, phải át được phần ác đi. Thế thôi! Vì, nếu mong mặt đất hết sạch cái ác thì cũng là ảo tưởng, y như mong ở đó chỉ toàn cái thiện vậy. Ai mà chả, đời nào mà chả, lúc thiện lúc ác, lúc khôn lúc ngu? Mà ngu là dễ, nhiều khi chính là, cái ác!
Khi anh viết: Chính anh/ Và tôi/ Ta cũng là quả trứng/ Được nằm im trong ổ/ Được nâng niu giữa cánh tay hiền thiện/ Để anh/ Và tôi/ Phải rồi/ Lại nở ra hiền thiện ở trong đời, là trước hết ta cứ phải “Quản Trọng” chính mình đã. Rồi cùng bao người “hiền thiện” khác, làm át phần ác của cuộc đời đi. Ước mong ấy của anh là tình-tình lớn, mà hình thức thơ anh thì lý-tìm tứ, dựng tượng hình, bắt nó nói một cách “có học”, cái tình kia.
Đây nữa: Ngoài chợ chỉ bán rao/ Con chim đẹp/ Tiếng hót hay, phải kiếm giữa trời cao; Đeo nhẫn cưới vào tay/ Vàng bạc nói/ Hay trái tim ta nói?. Thú vị nữa: Cây ơi! Có bao giờ cây ngủ?/ - Có!/ Nếu không tin, chờ lúc gió chiều ru/ Cây khoan khoái ngả bóng dài xuống cỏ. Lối nói này “Tây hơn Ta”, nhưng lại “Ta hơn Tây”, vì tiếng “Ta”, cảnh “Ta”, lòng “Ta”, chỉ có ngữ pháp là hơi “Tây” một chút thôi.
Đêm nay ta thở núi đồi Ê đê/ Dịu nhẹ hoa cà phê tinh khiết/ Thở nhọc nhằn quầng bụi ba dan/ Ấm nhà dài đôi vú gỗ cầu thang/ Thở nhịp kèn đinh pút, tặc tà/ Nghe xa xưa rung tiếng bầu, tiếng trúc/ Thở lưỡi mác lao nhào xác giặc/ Thở ánh chớp rìu bay trên thớ gỗ căm xe/ Thở trường ca thâu đêm già làng/ Thở ánh đuốc bập bùng cổ sử... Thế là, trong vóc thư sinh kia, đã đầy tráng ca rồi!
Gỗ căm xe rắn nhất Tây Nguyên, mọt mối chẳng đụng vào được. Người Tây Nguyên dùng căm xe làm nọc tiêu, từng dãy dài, từng vườn lớn. Bây giờ hết căm xe rồi, người ta phải dùng gỗ mít, xây cột gạch rỗng, đúc cột bê tông rỗng, bên trong đổ đất, sườn cột đục lỗ để làm nọc tiêu. Tiêu vừa leo lên được lại vừa mát thân. Nếu không, nó sẽ chết trong nắng mùa khô! Người Việt thật là lắm sáng kiến, chỉ ít phát kiến thôi!
Anh Lam! Cứ gặp núi rừng, sông biển, là anh sảng khoái hơn hẳn: Tôi là con của nhiều cánh cửa/ Không then cài, tung mở giữa mù sương/ Bát mèn mén, giấc ngủ trên sàn nứa.../ Những đêm rừng, tôi vẫn lắng nghe/ Tiếng làng bản thở trong khe, dưới lũng...
Tôi cũng rưng rưng khi gặp lại thời chúng ta: Lắm khi máu chảy/ Truyền thuyết mới mọc lên từ đấy/ Từ đá, từ bùn/ Bắn, đào, mìn, búa/ Cọc tiêu, máy gạt/ Cái xẻng ngắn tay/ Truyền thuyết mới mọc lên từ đấy.../ Rừng hôm nay ì ầm báo nguyên đại mới/ Những binh đoàn Thanh niên xung phong phá đá mở đường/ Đi tạo lại dáng đèo, dáng núi.
Khi ngủ nhờ ở nhà một người mẹ có con ra trận, anh Lam viết: Tôi được ăn bữa - cơm - người - con - trai - của - mẹ/.../ Tôi được cái - nhìn - người - mẹ - thấy - con - no.../ Tôi được ngủ giấc - người - con - trai - của - mẹ.../ Rồi tôi thức, xuống ngồi với mẹ. Thế là được ăn, được nhìn, được ngủ, được 3 trong 1 - mình thì thành con mẹ, mẹ thì thành mẹ mình, không khí đường ra trận xưa thì đầm đìa tình yêu! Thế là, dù hơi “Tây” nhưng cũng “Ý tại ngôn ngoại”, cũng “Ta” đấy chứ?
Quả là anh rất ít dùng các thể thơ “Ta”. Tìm mãi mới thấy 2 đoạn lục bát. Nhưng khi đọc đoạn này: Lăn hoài hòn đá chẳng rêu/ Câu ca hát mãi trong veo giếng làng/ Như câu ngọc đáp câu vàng/ Như trời với nước dịu dàng nhìn nhau/ Như đèn hiểu hết đêm thâu/ Như em biếc dải sông Cầu đợi anh, thì tôi rất mừng!
Đó là những câu có thể xếp vào top ten, những câu thơ hay về quan họ.
Bài Ngày xửa ngày xưa của anh Lam là một bài thơ quan trọng: Ngày xửa ngày xưa/ Con quỷ xấu giở trò ma/ Tung ra ngàn mảnh nhiễm/ Ngày xửa ngày xưa/ Công chúa nhiễm bỗng già nua/ Bầy ngựa nhiễm quay đầu không cất vó/ Mái chèo nhiễm bỏ đường đua/ Gậy thần nhiễm đánh rơi ngàn phép lạ/ Lá cỏ nhiễm xù gai đâu trải thảm ta nằm/ Ngày xửa ngày xưa/ Quả trứng nhiễm ung mầm/ Đôi hài nhiễm nuông ngón chân lười nhác/ Trầm quý nhiễm, ô kìa, thành gỗ mục/ Cán cân nhiễm lệch nghiêng/ Ngọn đèn nhiễm mơn trớn cùng bóng tối/ Ngày xửa ngày xưa/ Nắng vườn nhiễm trái cây không chín nổi/ Mí mắt nhiễm xua sạch trơn giấc ngủ/ Vàng bạc nhiễm hóa ra bùn/ Chiếc hôn nhiễm quên lời thương/ Trái tim nhiễm chỏng chơ hòn đá cuội.
Lâu lâu rồi, tôi viết bài thơ Thất tình: Thất tình chẳng ra làm sao/ Rượu nhạt như là nước suối/ Vạn sự đều không buồn nghe/ Lòng đã trơ thành đá cuội.
Thằng bạn tôi mắng tôi: “Nói phét!”. Sau nó tha hóa, tham nhũng, bị đi tù! Nay mai gặp nó, tôi sẽ cho nó đọc bài Ngày xửa ngày xưa của anh rồi bảo nó: “Mày bị nhiễm rồi!”, “Mày bị ông Lam cho về sống ở thời ngày xửa ngày xưa của ông ấy rồi!”.
Anh Lam nhỉ? Anh “Tây” mà “Ta” hơn khối “Ta” đấy!
Hà Nội, tháng 8 năm 2014