Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Thành Tuấn:
Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam kỷ niệm 40 thành lập (16/8/1981-16/8/2021), với riêng tôi cũng gắn 1/4 thế kỷ cùng chương trình. Khúc ân tình hay điều hoài niệm về những kỷ niệm làm báo cho đồng bào và vì đồng bào... thật khó có thể đong đầy.
Còn nhớ bài học nhập môn về ý nghĩa tên gọi của chương trình phát thanh. Ngay tên gọi “Chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” đã mang tính chuyên biệt phục vụ cho đối tượng. Ngày đó đội ngũ các cô chú, anh chị đều kinh qua gian khổ của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và đang đối mặt với nghèo khó của thời kỳ “quan liêu, bao cấp” với tên tuổi các cây bút thành danh: Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Thắng Lộc, Nguyễn Huy Dung, Thái Thuyên, Hoàng Đồng, Đào Xuân Tân, Trần Sơn Ngọc, Phạm Thụy Chóng, Anh Trang, Huyền Yến, Thu Nga, Đào Phước... từ nhiều cơ quan báo chí, từ các Ban biên tập của Đài về hội tụ. Và cứ thế, lớp trước rước lớp sau, chúng tôi làm báo phát thanh ghi dấu sâu đậm trong lòng thính giả ở xa Tổ quốc.
Gặp gỡ giao lưu cùng kiều bào nhân dịp Xuân Mậu Dần 1998 tại phòng M – Đài TNVN - 58 Quán Sứ , Hà Nội .
|
Bài học nhập môn, đó là với đối tượng đặc thù này chúng ta gắng đưa thông tin khách quan để đưa lại cái nhìn và cách nhìn về bản chất sự kiện. Ngày đó, muốn có thông tin để viết bài mang tính thời luận có khi phải qua các mối quen “đặc biệt”, sau vài ba tháng mới có vài quyển Tạp chí của người Việt ở Hải ngoại về bằng đường biển hay đường hàng không. Cả năm chỉ có vài ba nhóm nhỏ Việt Kiều về thăm quê, phóng viên gặp trực tiếp không dễ. Tôi còn nhớ nằm lòng lời căn dặn của nhà báo Mai Thúc Long - Phó Tổng Biên tập Đài lúc đó: đừng có làm báo kiểu tuyên truyền áp đặt, cố gắng đưa thông tin định hướng để bà con tự hiểu. Làm sao để người trong nước và người ngoài nước hòa đồng “xa mặt nhưng không cách lòng”.
Thời điểm chương trình ra đời cho thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đó đất nước còn đang bị bao vây cấm vận, lại căng mình trên 2 mặt trận: khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam... Khó khăn trăm nỗi. Đối tượng phục vụ của chương trình mà nhà thơ Xuân Diệu trong một lần trả lời phỏng vấn đã định danh với tôi: “Việt Kiều là làn sóng xanh của Đài quốc gia”. Từ đó và bây giờ, tôi và các đồng nghiệp đã luôn xác định làm chương trình sao cho mềm mại, dễ đi vào lòng người, phù hợp với tâm thức giao cảm, để tạo niềm đồng cảm với đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Các nhà báo của chương trình Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc với một số khách mời tham dự kỷ niệm 45 năm thành lập Đài. Nhà báo Lê Quốc Hưng khi ấy trẻ nhất chương trình (ngoài cùng bên trái) |
Nói thì dễ, nhưng quả tình thực hiện rất khó. Ngay sự phân định lúc nào dùng câu chữ: Việt Kiều, Kiều bào... thì chúng tôi đã có 2 chữ “đồng bào” để làm tâm điểm cho mọi tin, bài thuộc mọi thể loại báo phát thanh. Phải chăng tiếng Việt với huyền tích Mẹ Âu Cơ sinh trăm con trong bọc trăm trứng đã để lại cho dân tộc ta 2 chữ “đồng bào”: cùng một bọc, cùng một núm ruột hoài thai, nên dễ đồng sức chung lòng. Cứ thế, với phương thức cầm tay chỉ việc, chúng tôi xây dựng các chương trình phát thanh với các chuyên mục, tiết mục phù hợp với mọi đối tượng thính giả là người Việt Nam sống xa Tổ quốc. Lúc đó (hơn 2 triệu người) và giờ đây (hơn 5 triệu người) cộng đồng người Việt Nam sống xa Tổ quốc luôn luôn được xác định là: “một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”. Điều này được khẳng định trong các Nghị Quyết các kỳ Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong mọi điều kiện hoàn cảnh của vận nước, đặc biệt trong mỗi lời Chúc Tết của các vị Chủ tịch nước mỗi khi Tết đến Xuân về.
Chỉ mỗi khái niệm đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc đã hàm chứa biết bao niềm tâm cảm của mỗi con dân nước Việt sống xa quê. Đó là thế hệ thứ nhất, thứ 2, thứ 3 của những người ra đi vì chiến tranh, vì đất nước phân ly chia cắt mà các thế lực thù địch dựa vào đó để khơi lửa hận thù, để kích động khối đại đoàn kết, ngăn cản hòa giải dân tộc. Đó là hàng triệu người lao động xuất khẩu ở các nước XHCN trước đây theo hiệp định hợp tác, hiện nay là các du học sinh, sinh viên, điều dưỡng viên, lao động kỹ thuật... ở khắp các quốc gia, mọi châu lục. Đó còn là hàng chục ngàn “cô dâu xứ người” ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... mỗi con người đều ẩn chứa niềm yêu thương nơi chôn nhau cắt rốn. Dù ở bất cứ chân trời xa xứ lạ nào, mỗi con dân nước Việt đều có một mẫu số chung, đó là tình quê hương, mái nhà Tổ quốc. Phải thế chăng mà như một định đề bất biến, các chuyên mục: Câu chuyện với người xa quê, Tiếng quê hương với người xa xứ, Giai điệu quê hương, Hương vị quê nhà... luôn luôn là tiếng lòng của nhân dân trong nước với đồng bào xa nước.
Các thế hệ phóng viên chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc gặp mặt trong ngày kỷ niệm thành lập phòng. |
Có lẽ cho đến bây giờ - 40 năm, chưa có chương trình phát thanh nào của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn giữ nguyên nhạc hiệu như thuở ban đầu. Thân thương 2 tiếng “Đồng bào” ngân vang trên nền nhạc Diệt phát xít và khúc biến tấu Giọt đàn bầu biểu trưng văn hóa Việt.
Chỉ là chọn nhạc hiệu chương trình mà 3 nhà báo Nguyễn Huy Dung, Trần Sơn Ngọc, Nguyễn Anh Trang mất gần 2 ngày trong phòng thu mời giọng đọc nghệ sĩ Nhân dân Tuyết Mai thể hiện, rồi công đoạn cắt nhạc pha âm qua “đôi tay vàng” Nguyễn Thiện Ngũ để tạo dựng nên “Nhạc hiệu Việt Kiều”. Sự kỳ khu có thể nói gần như tuyệt đối chỉ bằng các đôi tai thẩm âm tay ngang... với công nghệ phòng thu thời đó: băng cối, cắt băng, ghép nhạc hoàn toàn thủ công.
Các phóng viên chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc thời kỳ đầu (Hàng ngồi từ trái qua: Hải Tần, Anh Trang, Thụy Chóng, Huyền Yến. Hàng đứng từ trài qua: Thái Thuyên, Hoàng Hàm (khách mời, nguyên trưởng phòng nông nghiệp, Chánh văn phòng Đài), Đào Dục Tú (Đào Xuân Tân), Lê Quốc Hưng |
Ôn nghèo kể khổ cũng là để ôn cố tri tân, có lẽ được xác định là “bộ phận không thể tách rời” cho nên Phòng Việt Kiều luôn được các cấp lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam và Ban Đối nội (trước đây) Ban Đối ngoại (hiện nay) quan tâm tạo điều kiện hết mức có thể. Thời kỳ đổi mới, “Việt Kiều” vinh dự là 1 trong 5 đơn vị cấp phòng ở đài được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Các phóng viên, biên tập viên từ cái nôi “Việt Kiều” lại tỏa đi đến các Phòng, Ban khác trong Đài, nắm giữ các vị trí quản lý: Nhà báo Nguyễn Đình Lương, Nguyễn Huy Dung lần lượt giữ chức vụ Trưởng Ban, Giám đốc Hệ phát thanh nay là Ban Văn hóa xã hội VOV2; nhà báo Trần Sơn Ngọc là Giám đốc Cơ quan thường trú khu vực Miền Trung, Giám đốc Trung tâm Tin; nhà báo Nguyễn Thúy Hoa hiện là Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Các thế hệ của chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc gặp mặt trong ngày kỷ niệm thành lập phòng. |
Cùng với sự phát triển của đất nước và Đài Tiếng nói Việt Nam, dường như cứ mỗi chu kỳ 10 năm, Phòng lại có bước chuyển về công nghệ, đòi hỏi các bước đào tạo và tự đào tạo của mỗi cá nhân phóng viên, biên tập viên. Năm 1991 cũng là năm Việt Nam bắt đầu có Internet; Cuối thập niên đó, Trưởng phòng Phạm Thụy Chóng được cử đi lớp tập huấn ngắn hạn về báo điện tử ở Thụy Điển, hồ hởi thông báo trên điện thoại cho anh chị em ở nhà: “Hay lắm, chỉ 1 cú click chuột, nhấn 1 cái là có ngay 1 cái thư điện tử, cả chùm ảnh hay 1 clip”. Việt Kiều cũng là một trong các chương trình đầu tiên được đăng tải file âm thanh trên báo điện tử VOV.vn (3/2/1998), kể từ đó thính giả có thể nghe trực tiếp, trực tuyến hay nghe lại các chương trình và chuyên mục mình quan tâm yêu thích.
Hiện nay, cùng với xu thế phát triển của công nghệ, dòng chảy thông tin của chương trình phát thanh dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc hàng ngày, hàng giờ... đã và đang được đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện, phát huy hiệu quả trên cơ sở hạ tầng “đa nền tảng, đa phương tiện” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đại dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, chia ca phân kíp làm việc, thế mà các đồng nghiệp của tôi: Hoàng Hướng, Phi Hà, Kim Lan, Hồng Anh, Lan Phương, Mai Liên vẫn kịp thời kết nối “nhịp cầu âm thanh” đến với bà con sống xa quê. Có thể nói, những ngày này các phóng viên, biên tập viên của Phòng Việt Kiều “mỗi người làm việc bằng 2” với tất cả khả năng sức lực của mình: viết tin bài, vào studio đọc, dẫn, thực hiện phỏng vấn, tọa đàm trực tuyến với người Việt mọi nơi... mang hơi thở cuộc sống, mang “Tiếng quê hương” đến muôn nơi, hầu thỏa nỗi nhớ mong, đáp ứng nhu cầu thông tin của hơn 5 triệu đồng bào xa xứ.
Kỷ niệm 40 năm thành lập Phòng Việt Kiều (16/8/1981-16/8-2021) trong một hoàn cảnh đặc biệt : người cách ly với người; tỉnh, huyện, phường xã cũng cách ly theo Chỉ thị 16 của Chính phủ... chúng tôi tự động viên nhau: “lấy việc làm niềm vui”, nhận lời chúc của đồng nghiệp và thính giả khắp nơi trên các nền tảng số của mạng xã hội. Và như thế, Phòng là “bộ phận không thể tách rời” của Đài, sẽ luôn luôn đáp ứng nhu cầu thông tin của “cộng đồng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”.