(VOV5) - Câu hỏi “Đâu là hướng đi mới cho phát thanh trong bối cảnh bị cạnh tranh bởi những loại hình báo chí khác?” luôn là nỗi trăn trở của những người làm phát thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Vận động và phát triển luôn là xu thế khách quan của lịch sử, của xã hội loài người. 30 năm qua, cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ, sự ra đời của các loại hình truyền thông mới, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) VOV - một trong trong những cái nôi của nền báo chí cách mạng Việt Nam, luôn đứng trước nhu cầu phải đổi mới toàn diện. Câu hỏi “ Đâu là hướng đi mới cho phát thanh trong bối cảnh bị cạnh tranh bởi những loại hình báo chí khác?” luôn là nỗi trăn trở của những người làm phát thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam - những người luôn khát vọng tiên phong trong lĩnh vực báo chí.
|
Trong suốt 30 năm qua, cùng với sự đổi mới của đất nước, Đài TNVN luôn là cơ quan báo chí đi đầu trong việc đổi mới, sáng tạo, thể nghiệm và vận dụng những tư duy mới về báo chí, ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc sản xuất các chương trình phát thanh mà điển hình nhất là việc xây dựng mô hình Cơ quan truyền thông đa phương tiện đầu tiên của cả nước bao gồm cả bốn loại hình báo chí: Báo nói, báo hình, báo điện tử, báo viết, với mục tiêu tối thượng là nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.
Đổi mới đầu tiên, cơ bản và căn cốt nhất chính là sự đổi mới về tư duy báo chí, đổi mới về nội dung
Đài Tiếng nói Việt Nam đã mạnh dạn đổi mới tư duy báo chí, phá vỡ cách tuyên truyền một chiều, khuôn mẫu, áp đặt theo kiểu mệnh lệnh. Thông tin đưa ra được phản ánh đa chiều, dưới nhiều góc độ, tạo nên diễn đàn của công chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng tham gia chương trình, làm nên không khí dân chủ trên làn sóng. Bằng việc phản ánh trung thực, khách quan những vấn đề của đời sống, lấy công chúng làm trung tâm, làm đối tượng hướng đến, Đài Đài Tiếng nói Việt Nam đã trở thành người bạn tâm tình gần gũi, tin cậy của nhiều thế hệ thính giả cả nước qua bao năm tháng.
Các chương trình phát thanh không ngừng được cải tiến, tạo ra những món ăn tinh thần mới cho công chúng ở nhiều đối tượng khác nhau. Từ một hệ chương trình phát thanh đối nội phát sóng không liên tục, đến nay Đài Tiếng nói Việt Nam đã có 6 hệ chương trình phát thanh (VOV1, VOV2, VOV3,VOV4, VOV5, Kênh VOV Giao thông quốc gia) với nội dung thông tin đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều chương trình thực hiện trực tiếp. Nhiều chương trình có tính tương tác cao, lôi kéo công chúng cùng tham gia, góp ý, phản hồi. Các chương trình không còn phù hợp đã được thay thế bằng những chương trình mới có sức cuốn hút hơn. Từ năm 2013, các hệ phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã dần đi vào hướng chuyên biệt sâu: VOV1 chuyên về thời sự chính trị, VOV2 chuyên về Văn hoá- Đời sống- Khoa giáo, VOV3 về Âm nhạc- Thông tin- Giải trí, VOV4 chuyên về các vấn đề dân tộc, VOV5 chuyên về đối ngoại, VOV Giao thông quốc gia chuyên biệt về giao thông. Sau này thêm các kênh mới như Kênh Tiếng Anh 24/7 - kênh Tiếng Anh liên tục đầu tiên tại Việt Nam, hướng tới thính giả nói tiếng Anh ở trong nước và trên thế giới, kênh VOV Sức khỏe và an toàn thực phẩm chuyên về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe... Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát triển VOV5 thành Kênh Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, VOV4 thành Kênh Phát thanh Dân tộc quốc gia.
Sự ra đời của mạng internet vào năm 1991 cùng với sự xuất hiện của các thiết bị di động thông minh đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới sự phát triển của báo chí thế giới, trong đó có Việt Nam. Các loại thiết bị công nghệ này đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận thông tin của công chúng. Việc truyền tải thông tin mang tính đơn nhất bị phá vỡ, thay vì chỉ có thể nghe, xem hay đọc, hiện nay công chúng đồng thời cùng một lúc có thể hưởng thụ được cả 3 phương thức này, đó chính là phương thức truyền tải thông tin theo hướng đa phương tiện. Điều này đặt ra đối với những người làm báo tại Đài Tiếng nói Việt Nam nhu cầu tất yếu phải xây dựng chiến lược phát triển theo mô hình truyền thông đa phương tiện. Năm 1998, Tuần báo Đài Tiếng nói Việt Nam - tờ báo in của Đài Tiếng nói Việt Nam ra mắt bạn đọc, sau này đổi tên thành Báo Tiếng nói Việt Nam. Năm 1999, ra đời tờ báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam mang tên VOVnews, sau này là VOV.VN. Năm 2008, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng Kênh phát thanh có hình (VOVTV), sau này đổi tên là Kênh Truyền hình VOV.
Như vậy, trong vòng 10 năm, từ một phương thức truyền tải thông tin duy nhất là phát thanh, Đài TNVN đã phát triển thêm 3 loại hình truyền thông nữa là báo in, báo điện tử và báo hình. Bốn phương thức truyền tải thông tin này hỗ trợ nhau, tạo thành một “binh chủng” hùng mạnh, làm cho thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả và hấp dẫn hơn.
Hiện nay, phát thanh trên internet được đánh giá cao do không đòi hỏi đăng ký băng tần, thiết lập các đài phát thanh và bộ truyền tín hiệu mà vẫn có thể gửi thông tin tới mọi nơi trên thế giới. Việt Nam chính thức kết nối internet toàn cầu ngày 19 tháng 11 năm 1997 thì chỉ sau đó hơn một năm, ngày 3 tháng 2 năm 1999, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức đưa lên mạng internet các hệ chương trình phát thanh và đến nay tất cả các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài đều có thể nghe, xem được trên mạng qua trang web của Báo điện tử VOV.VN. Việc đầu tư phát triển các trang thông tin điện tử (vov1.vov.vn, vov2.vov.vn, vov4.vn, vovworld.vn …) cũng đượcĐài Tiếng nói Việt Nam đặc biệt quan tâm, nhằm tận dụng lợi thế của internet là khả năng cập nhật nhanh, tính ứng dụng cao, sức lan tỏa rộng. Các hệ phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng xây dựng các trang fanpage để lan tỏa các chương trình phát thanh đến với thính giả. Đây cũng là nơi để trao đổi, là nơi cung cấp nguồn tin đối với phóng viên VOV.
Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là cơ quan báo chí sớm mở các cơ quan thường trú ở nước ngoài. Từ năm 1998 đến nay, Đài đã thành lập được 10 cơ quan thường trú ở các khu vực trọng yếu trên thế giới: châu Á có Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản; châu Âu có Pháp, Nga, Cộng hòa Séc; vùng Trung Đông và Bắc Phi có ở Ai Cập; châu Mỹ có ở Hoa Kỳ. Đây chính là cánh tay nối dài của Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm tăng cường khả năng cung cấp thông tin của Đài, đồng thời quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Thời gian tới, Đài Tiếng nói Việt Nam dự kiến mở thêm các cơ quan thường trú tại Úc, Indonesia, Cuba, Ấn Độ…
Không ngừng đổi mới kỹ thuật phát thanh hiện đại, tăng diện phủ sóng và chất lượng sóng; có nhiều phương thức truyền dẫn, phát sóng: sóng cực ngắn, sóng trung, sóng ngắn, vệ tinh, phát trực tuyến trên mạng Internet.
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được truyền tải không những trên sóng trung và sóng ngắn mà còn trên sóng FM, chất lượng các chương trình phát thanh được cải thiện rõ rệt. Nhiều trạm phát thanh FM đã được xây dựng ở những vùng trọng điểm trong cả nước, chiếm lĩnh những vị trí cao như Phia Oắc (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sơn Trà (Đà nẵng), Bà Đen (Tây Ninh)... Đến năm 2005, hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được số hóa hoàn toàn với việc sử dụng hai phần mềm là DALET và NETIA. Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất chương trình phát thanh cho phép thực hiện các chương trình trực tiếp thuận tiện và dễ dàng hơn theo hướng mở, tương tác với thính giả, đáp ứng nhu cầu thông tin đa chiều. Đến nay, hệ thống thiết bị kỹ thuật và truyền dẫn của Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ rộng khắp với trên 50 đài và trạm phát sóng AM, FM khu vực, 4 trạm phát sóng thuê nước ngoài. Tổng thời lượng phát sóng của VOV lên đến 300h/ngày. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã đầu tư hệ thống lưu trữ âm thanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng tư liệu và tạo ra một kho lưu trữ âm thanh có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt là giá trị về văn hóa. Việc thực hiện số hóa hệ thống sản xuất chương trình phát thanh; thực hiện phát thanh, truyền hình trực tuyến và phát thanh, truyền hình theo yêu cầu, trên internet; truyền dẫn qua vệ tinh… đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp tới công chúng những sản phẩm báo chí với chất lượng âm thanh và hình ảnh cao, phù hợp với đời sống hiện đại. Qua đó, giúp Đài Tiếng nói Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, lựa chọn, làm chủ công nghệ mới, phục vụ đắc lực cho việc phát triển cả 4 loại hình báo chí của một cơ quan truyền thông đa phương tiện. Trong những năm qua, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thử nghiệm phát sóng phát thanh số theo chuẩn HD, DAB+, DRM. Việc phát triển phát thanh số, đưa các chương trình phát thanh tích hợp trên các thiết bị thông minh như điện thoại di động, tiến tới hội tụ trên hạ tầng viễn thông băng rộng đang được Đài Tiếng nói Việt Nam quan tâm nghiên cứu thực hiện vì đây sẽ là xu thế phát triển của phát thanh hiện đại.
Trong quá trình phát triển, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn tìm tòi, đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản lý phát thanh hiện đại. Từ năm 2008, với 3 tiêu chí: bảo đảm tự chủ nội dung, tự chủ nhân lực, tự chủ tài chính, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc được lãnh đạo Đài phân quyền để chủ động trong việc tổ chức thực hiện chỉ đạo tuyên truyền. Việc thực hiện cơ chế tài chính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, đáp ứng nhu cầu thông tin giải trí ngày càng cao của thính giả cũng như phù hợp với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các loại hình báo chí.
|
Lễ ký thỏa thuận giữa hai Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Phát thanh quốc gia Pháp (Radio France). - Ảnh: VOV |
Đổi mới về tư duy quản lý, cơ chế tài chính
Việc phát triển các Cơ quan truyền thông đa phương tiện là xu thế tất yếu của báo chí thế giới, đang được nhiều nước tiên tiến áp dụng nhằm phát huy thế mạnh tổng hợp của các loại hình báo chí. Tuy nhiên, đối với một đất nước có khoảng gần 100 triệu dân với 54 dân tộc anh em cùng chung sống, đa tôn giáo, có quan hệ ngoại giao với gần 200 nước trên thế giới thì việc lên bao nhiêu kênh phát thanh, phát thanh đối ngoại cần có bao nhiêu chương trình tiếng nước ngoài, phát bao nhiêu chương trình tiếng dân tộc, âm nhạc liệu có các kênh chuyên về dân ca, nhạc trẻ, nhạc cổ điển, liệu có lên các kênh chuyên biệt về thể thao, văn học nghệ thuật hay kênh phát thanh dành riêng cho ngư dân hay không luôn là điều trăn trở đối với những người làm phát thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Điều này cần có sự trao đổi, phản biện của các chuyên gia, những nhà khoa học, cũng cần phải nghiên cứu nhu cầu thực tế, đảm bảo yêu cầu chính trị và hiệu quả kinh tế. Được như vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ, vững chắc, thực sự là một trong những Cơ quan truyền thông đa phương tiện hiện đại của Việt Nam.