(VOV5) - Tỉnh Sóc Trăng đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo cho đồng bào các dân tộc.
Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 1,2 triệu dân, chủ yếu là 3 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng làm tốt công tác tôn giáo, bảo đảm tự do tín ngưỡng cho đồng bào các dân tộc.
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có 9 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bửu sơn Kỳ Hương, Baha'i.
Quang cảnh sinh hoạt tôn giáo ở một chùa Prey Chóp, tỉnh Sóc Trăng |
Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Ở tỉnh Sóc Trăng có 92 ngôi chùa, hơn 364.000 phật tử và hơn 1.700 sư sãi của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Mối quan hệ giữa các dân tộc ở địa phương chan hòa, bình đẳng, đoàn kết, không có kỳ thị hay mẫu thuẫn gì. Các thế lực thù địch bên ngoài không ngừng kích động, chống phá, âm mưu thực hiện diễn biến hòa bình, ly khai tự trị để thành lập Nhà nước Khmer Krom ở Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đa số đồng bào các dân tộc tin tưởng chủ trương, chính sách của Nhà nước."
Chính quyền tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho bà con trong sinh hoạt tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý cho hàng trăm sư sãi, chức sắc, chức việc. Đồng thời, hỗ trợ và vận động xã hội hóa để trùng tu, sửa chữa cơ sở thờ tự, bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Chức sắc các tôn giáo cũng được tạo điều kiện tham gia các hoạt động xã hội và các tổ chức đoàn thể nhân dân.
Chính điện chùa Kh'Leang, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Anh |
Ông Lý Rotha, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Hằng năm, Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng tổ chức họp mặt các vị chức sắc tôn giáo, thông tin một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước rồi lắng nghe các vị chức sắc có tâm tư, nguyện vọng gì thì các lãnh đạo tỉnh, Ban dân tộc chia sẻ, tháo gỡ khó khăn để tổ chức thực hiện tốt. Tự do tín ngưỡng tôn giáo được tỉnh Sóc Trăng thực hiện thời gian qua rất tốt. Cụ thể, các lễ hội ở các điểm chùa thực hiện tốt, bà con rất phấn khởi. Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng chấp hành tốt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cả 3 dân tộc: Kinh, Khmer và Hoa ở đây sinh sống chan hòa."
Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở những nơi có đông tín đồ sinh sống, cảnh báo người dân về luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Người có tôn giáo hoặc không có tôn giáo đều chấp hành theo hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Tượng Phật nằm ở chùa Som Rong, tỉnh Sóc Trăng |
Ông Lý Bon, người dân tộc Khmer, sống gần chùa Tà Mơn ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Từ trước đến giờ, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, không chỉ ở chùa Tà Mơn mà còn ở tất cả các chùa khác. Phật tử được quyền tự do tín ngưỡng, sống và làm việc theo khuôn khổ pháp luật Nhà nước và Phật giáo Việt Nam. Theo Phật giáo rất có lợi ích, đồng bào phật tử đến chùa thì được sư trụ trì chùa tuyên truyền phật tử cố gắng làm ăn phát triển kinh tế, sống tốt đời đẹp đạo."
Nhà chùa luôn tạo điều kiện cho các Phật tử hành lễ, sinh hoạt tôn giáo. Chùa cũng là nơi có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống của đồng bào. Thượng tọa Trần Văn Tha, trụ trì chùa Tà Mơn, kể: "Người Khmer khi sinh ra và mất đi cũng đều gắn bó với nhà chùa. Nhà chùa chẳng những là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là nơi để tập trung văn hóa của người Khmer. Chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nhà chùa rất tốt. Sư sãi được đào tạo qua lớp giáo lý Pali, sau đó tiếp tục học trường Trung cấp Pali văn hóa Nam Bộ ở tỉnh Sóc Trăng. Những sư nào có trình độ thì tiếp tục đi học ở Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer ở thành phố Cần Thơ, hoặc đi học ở Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka."
Tỉnh Sóc Trăng đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo cho đồng bào các dân tộc. Các tổ chức tôn giáo đoàn kết, bình đẳng, hoạt động theo tôn chỉ “sống phúc âm, đồng hành cùng dân tộc”. Nhờ vậy, hoạt động tín ngưỡng ở đây tự do trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương.