(VOV5) - Mục tiêu thứ 5 trong 17 mục tiêu toàn cầu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030 đề cập bình đẳng giới.
Ngày 25-11 hàng năm được Liên hợp quốc lấy làm ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Mục tiêu thứ 5 trong 17 mục tiêu toàn cầu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030 cũng đề cập bình đẳng giới. Việt Nam là quốc gia thành viên đã cam kết thực hiện với những hành động cụ thể. Luật bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình ra đời là cơ sở pháp lý giám sát việc thực hiện, chú trọng lồng ghép giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mô hình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số thuộc Bộ y tế do chị Hoàng Tú Anh làm giám đốc thực hiện ở thị xã Cửa Lò ( tỉnh Nghệ An) từ năm 2006 đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Đó là kêu gọi được sự tham gia của cộng đồng xã hội; giúp nhiều phụ nữ bị bạo lực và đặc biệt là nam giới đã nhận thức để thay đổi hành vi. Đó là điều khác biệt khi mà chúng ta nỗ lực thu hẹp khoảng cách về giới trong xu thế hội nhập: “ Từ trước tới giờ khi nói về giới thì hay làm việc với phụ nữ nhưng thực ra không đủ mà bình đẳng giới, sự tham gia của nam giới rất quan trọng. Nhiều nhóm vẫn còn lúng túng không biết đưa họ tham gia vào thế nào và kết nối, hướng dẫn cho họ kỹ năng gì, thì chúng tôi là đơn vị tiên phong làm được điều đó”
Ảnh: nguoitieudung.com.vn
|
Mô hình đã được Bộ lao động thương binh và xã hội đưa vào nghiên cứu để phát triển Chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Sau đó, Luật bình đẳng giới và Luật phòng chống bạo lực gia đình ra đời và có hiệu lực từ năm 2007 là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền lợi của phụ nữ. Đặc biệt, hội nhập sâu rộng đòi hỏi Việt Nam đưa ra cam kết và hành động cụ thể thực hiện bình đẳng giới, một trong các mục tiêu toàn cầu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Việt Nam đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để triển khai các chiến dịch, tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới và chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện cho phụ nữ về việc làm, lao động và tiếp cận các dịch vụ y tế. Đặc biệt, tại các diễn đàn Liên nghị viện và các kỳ họp Quốc hội, bình đẳng giới cũng thường xuyên được bàn thảo với nhiều nội dung khác nhau. Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14 lần này cũng đã thảo luận về việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới.
Trong đó, lao động việc làm và công tác cán bộ nữ được hầu hết các đại biểu quan tâm. Đại biểu Mai Thị Kim Nhung, đoàn quốc hội tỉnh Quảng Tri chia sẻ: Theo xu thế chung, hiện nay, chính phủ đảng nhà nước quốc hội quan tâm bình đẳng giới. Vị trí vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay được đề cao. Bản thân tôi được ưu ái, được quan tâm tạo điều kiện trên lĩnh vực công tác, tạo điều kiện thuận lợi làm việc”.
Ảnh: baodansinh.vn |
Những con số về tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị ngày càng tăng cho thấy, vai trò, vị trí của phụ nữ đã được đề cao. Mong muốn của các đại biểu là sự quan tâm này phải thường xuyên, liên tục và lan tỏa trong cộng đồng như ý kiến của đại biểu quốc hội Đỗ Thị Lan, đoàn Quảng Ninh: “Về cơ bản, chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước quan tâm nhiều công tác cán bộ nữ và cơ chế chính sách với lao động nữ. Phụ nữ có vị thế vị trí ở các cơ quan từ trung ương đến địa phương, chính sách đối với phụ nữ ở vùng khó khăn có sự quan tâm nhiều hơn. Bình đẳng giới cần quan tâm tới đào tạo và thời gian làm việc. Thể chế hóa các chủ trương đã có bằng văn bản pháp luật”.
Giám sát việc thực hiện lồng ghép giới trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội thông qua hệ thống pháp luật là việc cần phải làm thường xuyên. Chính sách phải thường xuyên hoàn thiện và chỉnh sửa phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn và trong xu thế hội nhập.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm về vấn đề này: “Thực hiện sự quan tâm lồng ghép giới trong hệ thống pháp luật, thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Việt Nam với sự ra đời luật bình đẳng giới 10 năm và sau đó là luật phòng chống bạo lực gia đình đã thực hiện và được thế giới và các nước đánh giá cao. Vấn đề việc làm an sinh xã hội nam nữ phải công bằng. Cần quan tâm Phụ nữ trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…Một vấn đề cần phải tuyên truyền là bạo lực trong gia đình, trong trường học, chống tình trạng buôn bán phụ nữ, tuyên truyền để toàn dân đấu tranh”.
Những biện pháp cụ thể và thường xuyên, đặc biệt, trong tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15-11 đến 15-12 hàng năm là dịp để chúng ta thực hiện cam kết của mình với cộng đồng quốc tế. Không chỉ bằng hành động, bằng chính sách pháp luật mà phải thường xuyên nâng cao nhận thức cho toàn thể xã hội.