(VOV5) - Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, tổng diện tích tự nhiên là 2.695km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 80%.
Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Đây cũng là chủ trương, chính sách đã được tỉnh Bình Dương cụ thể hóa qua việc khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trong thời gian qua cũng như đẩy mạnh trong giai đoạn hiện nay.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, tổng diện tích tự nhiên là 2.695km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 80%. Với điều kiện tự nhiên, điều kiện thời tiết khí hậu và chế độ thủy văn, nguồn nước,… ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua có sự phát triển rõ nét.
Hầu hết sản phẩm nông sản Bình Dương đều được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và vươn ra xuất khẩu. Hiện nay, qui mô phát triển và sản lượng của vườn cây ăn trái và các mặt hàng nông sản theo qui trình ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã có bước phát triển khả quan.
Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái – Bình Dương. - Nguồn: congthuong.vn
|
Những năm qua, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản luôn được nông dân, đơn vị phân phối, tiêu thụ quan tâm, nỗ lực để đưa sản phẩm chuỗi ra thị trường các nước. Ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Kiên, tỉnh Bình Dương, cho biết: "Các hộ trồng, bà con nông dân hay trang trại khi liên kết với nhau thì sẽ có lợi thế rất lớn. Thứ nhất là ổn định được sản phẩm của mình, thứ hai là ổn định về giá. Các bộ, ban ngành cũng hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã thông qua những lớp tập huấn, hội thảo để bà con có hướng đi chung, qua đó tạo nên những vùng sản phẩm có thể đưa thị trường vươn xa.
Theo bà Đặng Như Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, cùng với sự đầu tư trong nâng cao chất lượng nông sản, để ổn định đầu ra và nâng giá trị nông sản, hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã phối hợp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu nông sản và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kết nối tại nhiều địa phương trong cả nước:
"Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương có những bước phát triển rõ rệt, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Tháng 12/2019, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết số 16 quy định chính sách hỗ trợ thực hiện liên kết gắn với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhằm hỗ trợ những HTX, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện liên kết sản xuất và gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh." bà Tâm nói,
HTX nông nghiệp Thanh Kiên đã đưa quả ổi xuất ngoại. - Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn |
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh kết nối đưa sản phẩm nông sản của tỉnh vào hệ thống sản xuất, chế biến, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sở công thương, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương tiếp tục phối hợp với các sở ngành xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia các chương trình kích cầu, kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, trái cây sản xuất trong tỉnh.
Đặc biệt, phạm vi đối tượng ưu tiên hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được mở rộng. Bà Đặng Như Tâm cho biết thêm: "Những nhóm ngành hàng được ưu tiên hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đối với lĩnh vực trồng trọt thì có cây công nghiệp, cây cao su, cây ăn quả, nhóm rau củ quả, nhóm hoa cây cảnh, cây dược liệu. Ngành chăn nuôi gồm gia súc, gia cầm. Ngành sản xuất chế biến gồm chế biến nông sản, tiêu thụ sau thu hoạch và ngành sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái."
Đặc biệt coi trọng xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đô thị, nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo đột phá trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bình Dương, đến năm 2025 diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao là 30% (tương ứng 50.000 ha) và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là 30% số trang trại. UBND tỉnh Bình Dương cũng đặt ra một số mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế địa phương đến năm 2025, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình HTX liên doanh, liên kết…
Theo đó, xây dựng nền nông nghiệp phát triển với mục tiêu coi trọng chất lượng và hiệu quả, thân thiện với môi trường, gắn sản lượng nông sản với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường; xây dựng các vùng sản xuất tập trung với các cây trồng vật nuôi là hàng hóa chủ lực của tỉnh; trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.
Những kết quả đạt được thời gian qua trong sản xuất nông nghiệp an toàn gắn liền với xây dựng thương hiệu nông sản là tiền đề quan trọng để hình thành các mối liên kết sản xuất – tiêu thụ bền vững trong thời gian tới. Từ đó sẽ tạo bước đi vững chắc cho sản phẩm nông nghiệp của Bình Dương trong quá trình hội nhập.