(VOV5) - Cần rà soát đánh giá mức độ an toàn ở những vùng dân cư đang sinh sống thuộc các khu vực nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét như đã xảy ra trong năm 2020, lên phương án di dời dân thời điểm cụ thể.
Cảnh báo sớm là giải pháp phi công trình được xác định là quan trọng nhất nhằm phòng tránh, giảm thiểu thảm họa lũ quét, sạt lở đất. Đây là một trong những nội dung được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung- nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu” do UBND tỉnh Quảng Nam và Tổng Hội xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 16/1 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Quang cảnh hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung- nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”. (VOV) |
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các nghiên cứu về ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo trong dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất; Khuyến cáo các giải pháp công nghệ mới trong thiết kế xây dựng công trình dân dụng, nhà ở của người dân nhằm nâng cao khả năng chống bão, lũ, lũ quét
Đề xuất giải pháp công trình và phi công trình tránh thảm họa lũ quét, sạt lở đất, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây nguyên cho rằng, các địa phương cần rà soát đánh giá mức độ an toàn ở những vùng dân cư đang sinh sống thuộc các khu vực nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét như đã xảy ra trong năm 2020, lên phương án di dời dân thời điểm cụ thể. Các địa phương cần rà soát và đánh giá để đưa ra tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên cũng như phương thức khai thác hợp lý để nâng cao chất lượng thảm thực vật che phủ rừng, hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất và lũ quét.