Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, đất nước Lào, nơi in dấu ấn tuổi thanh xuân của người lính Việt

(VOV5) - Trên mọi cánh rừng, ngọn núi nơi đây đều in dấu chân, mồ hôi và xương máu của những người lính tình nguyện Việt Nam.

Trong hơn 12  năm hoạt động tại chiến trường, người lính công binh Bùi Minh Sơn đã có hơn 2/3 thời gian tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, phía Bắc Lào. Một trong ba địa bàn chiến lược có giá trị quan trọng của chiến trường Đông Dương khi ấy.

Chính vì vậy, bác luôn đong đầy tình cảm với cảnh vật, núi rừng, văn hóa và con người cùng nhiều câu chuyện khó quên tại mảnh đất kiên cường này.

Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, đất nước Lào, nơi in dấu ấn tuổi thanh xuân của người lính Việt - ảnh 1Hình ảnh bác Bùi Minh Sơn những ngày mới nhập ngũ

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh thanh niên Hà Nội -  Bùi Minh Sơn năm đó mới hơn 17 tuổi đã khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Sau đó chưa đầy hai tháng, bác vinh dự được phân công đi làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, cùng quân dân Lào chống kẻ thù chung (chống Mỹ) với vai trò là người lính công binh mở đường chuẩn bị cho các chiến dịch tại Sầm Nưa (Hủa Phăn) và Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đến bây giờ, mọi ký ức trong bác còn vẹn nguyên. Bác bồi hồi kể lại: “Những năm ấy chiến trường Lào Phongsali, Xamnua, Xieng Khoang là chiến trường mìn, đó là nhiệm vụ của công binh vừa vất vả, nặng nhọc. Nhiều đồng đội kém may mắn hơn tôi đã không còn nữa. Cái mà trớ trêu và đau xót nhất của lính công binh là cái chết chỉ cách nhau một gang tấc. Công việc nặng nhọc, hiểm nguy... nhưng công bằng mà nói lính công binh chúng tôi vẫn còn đỡ khổ hơn anh em đồng đội ở bộ binh rất nhiều".

Công việc đầy gian truân, vất vả và nguy hiểm như vậy, nhưng những người lính công binh như bác vẫn cảm thấy tự hào khi được cống hiến cho nước bạn và cho tổ quốc.

Không những giỏi đào đất mở đường, bác còn là người có năng khiếu đam mê với viết lách, làm thơ và thích tìm hiểu về văn hóa của đất nước triệu voi. Mặc dù công việc tại chiến trường rất đặc thù, khó khăn, khốc liệt như vậy, thế nhưng bác vẫn tranh thủ thời gian để quan sát cách bạn Lào làm, cách bạn giao tiếp, sinh hoạt để qua đó hiểu hơn về văn hóa và con người Lào.

Đây cũng chính là cách giúp bác nhanh chóng tự học được ngôn ngữ Lào. Tất cả những từ ngữ, câu ca dao, thành ngữ hay những gì bác quan sát và cảm nhận được đều được ghi trọn lại trong cuốn sổ nhỏ bằng 3 ngón tay, được tận dụng bằng những tờ giấy gói bộc phá, gói ngòi liều trong các hòm vũ khí . Nhờ vậy, giúp bác thuận tiện hơn trong công việc và có những am hiểu ban đầu về văn hóa cũng như con người nơi đây: "Ngoài những nét tương đồng trong văn hóa giữa hai dân tộc, tôi rất ấn tượng về cách đối xử của người Lào. Tôi thấy rằng người Lào có tính hướng thiện cao, từ tốn, chất phác, hiền lành. Người Lào tốt lắm! Người Lào lễ phép lắm! Người Lào dễ gây thiện cảm, họ để lại ấn tượng cực kỳ hay mà đến tận bây giờ, mỗi khi có dịp trở lại mình không có cảm giác đi nước ngoài. Quý lắm, mến lắm, nói chuyện như người thân trong gia đình, lúc nào cũng con ơi, cháu ơi…”. Chính những tình cảm đó đã giúp những người lính xa nhà như chúng tôi không hề có cảm giác xa quê hương, xa tổ quốc".

Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, đất nước Lào, nơi in dấu ấn tuổi thanh xuân của người lính Việt - ảnh 2Bác Bùi Minh Sơn thăm lại chiến trường Cánh đồng chum Xiêng Khoảng, Lào

Là một người có khẩu khiếu cùng với lợi thế biết tiếng Lào, không bao lâu sau đó, bác đã được luân chuyển sang làm nhiệm vụ ở liên đội chiếu phim -  công việc cũng nặng nhọc không kém. Hầu như ngày nào bác cũng đeo mô tơ của cái máy phát điện nặng gần 40 kg trên lưng cùng đồng đội và bộ máy chiếu phim  hơn 100kg trên vai trèo đèo, lội suối đi bộ trên vùng rừng núi hiểm trở để mang những thước phim giải trí và động viên bộ đội của ta và bạn từ đơn vị này qua đơn vị khác và chiếu cho cả người dân địa phương xem. Kể cả những đỉnh cao hơn hai ngàn mét như Phukhe, Phu Phasay... các bác cũng từng vác máy lên không chỉ một lần,  thậm chí, có buổi chiếu phim cho một trạm thông tin tải ba heo hút giữa rừng già chỉ để cho một người xem bởi trạm có ba người thì một về hậu cứ lấy gạo, một đi kiểm tra đường dây, chỉ còn một ốm ở nhà trực máy... Bác kể: Họ rất thích. Có nhiều nơi chưa bao giờ được thấy hiện tượng như thế cả. Chưa bao giờ thấy cái cuộn nhựa mà cho vào cái máy rồi chiếu lên tấm vải mà lại có hình người đi đi lại lại như thế cả, như là có ma. Họ có cái rất hay. Cứ khi lúc nào mà có hình ảnh của Bác Hồ trên màn ảnh là tất cả đứng lên vỗ tay. Qua đó mới cảm nhận được họ kính trọng, yêu quý bác Hồ kính yêu của chúng ta như thế nào”. 

Ngoài hình ảnh Xiêng Khoảng mịt mờ trong khói lửa đạn bom thì đối với bác,  khung cảnh núi rừng non nước nơi đây thật tuyệt đẹp, đặc biệt mỗi khi mùa khô đến là hoa dã quỳ nở rộ thành từng thảm dưới nền trời xanh thẳm. Đối với bác, hoa dã quỳ luôn nở thành từng thảm giống như tình đoàn kết liên minh chiến đấu của bộ đội Việt Nam và Lào. Đất nước, con người Lào kiên cường, bất khuất giống như những bông hoa này. Loài hoa này tuy thanh mảnh nhưng không yếu ớt mà có sức sống mãnh liệt, cùng chứng kiến và đồng hành qua bao chiến dịch.

Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, đất nước Lào, nơi in dấu ấn tuổi thanh xuân của người lính Việt - ảnh 3Bác Bùi Minh Sơn chụp tại Patuxay, Lào

Màu vàng của hoa dã quỳ còn là màu đặc trưng của Phật giáo – cái nôi tạo nên cốt cách và vẻ đẹp văn hóa của đất nước triệu voi – quê hương thứ hai của bác, nơi ghi dấu cả thanh xuân của bác. Bác cũng luôn tâm niệm rằng Đức Phật từ bi sẽ dang tay ôm lấy linh hồn của những người đồng đội đã ngã xuống và nằm lại nơi đây để họ an tâm yên nghỉ vì đã cống hiến những tháng năm rực rỡ và đẹp đẽ nhất của cuộc đời, mang lại sự thanh bình cho dân tộc này, mảnh đất này. Chính vì vậy, mỗi lần quay trở lại nơi đây, cảm xúc của bác với người dân với đất trời nơi đây đều vô cùng xúc động. Bác bồi hồi nhơd lai: “Lần đầu tiên tôi quay lại trở lại, mới chỉ bước chân qua biên giới thôi là tim tôi đã đập loạn lên rồi. Tôi suýt ngất! Xiêng Khoảng  như quê hương thứ hai của mình. Bao đồng chí, đồng đội, bạn bè vẫn còn nằm ở đó. Khi mình sang tới nơi, bạn Lào đón tiếp vô cùng chu đáo. Họ xếp một hàng dài từ ngoài vào lần lượt ôm từng người, vỗ từng người. Thậm chí có người khóc".

Bước sang tuổi 70, khi mái tóc đã chuyển bạc nhưng người lính trẻ năm nào vẫn mong muốn được sang thăm lại mảnh đất kiên cường này, khi nào còn khỏe bác sẽ còn trở lại nơi đây để thăm đồng đội, thăm nhân dân Lào, đất nước Lào và Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng. Đối với bác và những người lính tình nguyện, Cánh Đồng Chum -Xiêng Khoảng và đất nước Lào mãi mãi là quê hương thứ hai của mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác