(VOV5) - Năm học 2013 - 2014, Trường được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen đơn vị xếp thứ nhì khối các trường dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Cao Phong được thành lập cách đây 22 năm, ngày 10/8/2002. Tuy là trường dành riêng cho học sinh các dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, nhưng sau hơn 20 năm, trường đã trở thành một trong những điểm sáng của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm học đầu tiên (2003 - 2004), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Cao Phong có 2 lớp học cấp Trung học Cơ sở, với 60 học sinh. Năm học 2018 - 2019, Trường đổi tên thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Cao Phong. Đến nay, trường phát triển cả về số lượng, chất lượng. Hệ thống trường lớp khang trang, gồm: phòng học, phòng ở nội trú, nhà đa năng, khu hiệu bộ, nhà ăn và một số công trình phụ trợ khác. Năm học 2022 - 2023, trường có 11 lớp (8 lớp Trung học Cơ sở và 3 lớp Trung học phổ thông) với 290 học sinh.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Cao Phong nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Anh |
Thầy giáo Trần Quang Tuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Cao Phong, cho biết: "Học sinh trong trường chủ yếu là dân tộc Mường, đại đa số đều ở vùng sâu, vùng xa. Nhờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ nên các em được thụ hưởng chính sách ưu tiên, giúp các em có điều kiện học tập tốt. Nhiều em đã đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và đỗ đại học."
Hiện, trường có hơn 95% là người dân tộc thiểu số, trong đó đa số là dân tộc Mường, một số nhỏ là dân tộc Dao và dân tộc Kinh. Khi nhập học, các em được cung cấp dụng cụ học tập, sinh hoạt.
Thầy giáo Trần Quang Tuấn, Hiệu trưởng trường. Ảnh: Ngọc Anh |
Em Trịnh Hương Giang, dân tộc Mường, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Cao Phong, cho biết: "Chúng em được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước. Ví dụ cơ sở học tập đầy đủ, khang trang, được học miễn phí, sách vở, dụng cụ học tập được trường cấp miễn phí. Sau này, em ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch để có thể giới thiệu quê hương của mình, góp phần quảng bá về quê hương tỉnh Hòa Bình đến với bạn bè năm châu."
Ngoài việc đảm bảo điều kiện học tập cho các học sinh, trường còn rất chú trọng đến hoạt động ngoại khóa. Thầy giáo Trần Quang Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm: "Trường mở các câu lạc bộ để các em có điều kiện giao lưu, ví dụ như Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Mường. Thông qua Câu lạc bộ này các em được tăng cường sử dụng ngôn ngữ tiếng Mường, sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc. Học sinh dân tộc nội trú ở xa nhà nên nhà trường tăng cường tổ chức những hoạt động về kỹ năng sống, hoạt động ngoại khóa và những hoạt động xã hội để giúp các em phát triển toàn diện."
Do đa số học sinh ở nội trú trong trường, xa nhà nên các em nhớ nhà, tâm lý tuổi mới lớn chưa ổn định để yên tâm học tập. Vì thế, các thầy cô giáo trong trường đặc biệt chăm lo, sâu sát học sinh.
Học sinh đọc sách ở trường. Ảnh: Ngọc Anh |
Cô giáo Đào Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Cao Phong, cho biết: "Thấu hiểu tâm lý của các con, các thầy cô chia sẻ, tư vấn, động viên các em, như những bậc làm cha, làm mẹ. Trong trường, hầu hết các thầy cô giáo đều biết tiếng dân tộc. Khi cần các thầy cô giáo sử dụng tiếng dân tộc để tâm sự, chia sẻ với các em. Các thầy cô giáo ở trường nội trú có niềm hạnh phúc là được nhìn thấy các học sinh khôn lớn, trưởng thành hằng ngày cả về thể chất, tinh thần lẫn kiến thức. Chính hạnh phúc đó đã truyền cho chúng tôi lòng nhiệt huyết đối với học sinh và thực sự ở đây giáo viên coi học sinh như con, như cháu của mình."
Năm học 2013 - 2014, Trường được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen đơn vị xếp thứ nhì khối các trường dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình. Năm học 2022 - 2023 trường được Hội khuyến học huyện Cao Phong tặng giấy khen có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Một tiết học trên máy tính ở trường. Ảnh Ngọc Anh |
Bằng sự nỗ lực phấn đấu của cả thầy cô và học trò, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Cao Phong đã được tỉnh Hòa Bình công nhận là trường chuẩn quốc gia. Cũng từ ngôi trường này, nhiều học sinh thi đỗ đại học, trưởng thành và sau này có sự nghiệp thành đạt, cống hiến cho xã hội.