(VOV5) - Trong chiến lược phát triển quốc gia của VN có hợp phần phát triển giáo dục, với mục tiêu phát triển con người là trọng tâm.
Chiều 17/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc với bà Dominique Altner, Viện chiến lược giáo dục của UNESCO, bà Simone Vis, Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam và các thành viên tổ biên tập chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045
|
Nêu vấn đề về yêu cầu với khung chiến lược giáo dục Việt Nam 10 năm tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn 2045, trong chiến lược phát triển quốc gia có hợp phần phát triển giáo dục, với mục tiêu phát triển con người là trọng tâm. Đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi các mục tiêu của giáo dục thay đổi rất nhanh, các chỉ số phát triển giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới phải hợp lý, chiến lược giáo dục Việt Nam phải không xa lạ với khu vực, thế giới, và phải là một bộ phận của chiến lược phát triển con người toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Trong chiến lược phát triển quốc gia 10 năm tới, chúng ta phải hình dung được vai trò vị trí của giáo dục nằm ở đâu và trách nhiệm như thế nào. Chúng ta không sợ nhanh hay chậm mà quan trọng phải cùng chung dòng chảy với thế giới. Xu hướng giáo dục quốc tế hiện nay rất mạnh, trong đó, có xu hướng cá thể hóa trong giáo dục. Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn tới phải đặt trong bối cảnh giáo dục công dân toàn cầu, tính đến sự cạnh tranh quyết liệt của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và phải tính đến việc chuyển giao tri thức không phân biệt quốc gia".
Bà Dominique, chuyên gia Viện chiến lược giáo dục của UNESCO chia sẻ tại buổi làm việc
|
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chiến lược giáo dục tại buổi làm việc, bà Dominique Altner, chuyên gia Viện chiến lược giáo dục của UNESCO, cho rằng đảm bảo công bằng trong giáo dục là “thương hiệu” của Việt Nam nhưng để duy trì được “thương hiệu” này tới đây sẽ là thách thức. Nhìn nhận về những chỉ số được đưa ra trong dự thảo khung chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, bà Dominique Altner nhận định đây là một bản tổng hợp những chỉ số hiện hành và các chỉ số mới, về tổng quan đã mang tính toàn diện và tiếp cận các bộ chỉ số quốc tế.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của chuyên gia quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tổ biên tập chiến lược giáo dục Việt Nam sớm hoàn thiện đề cương chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, với hệ thống các chỉ số đảm bảo phản ánh thực chất quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam.