(VOV5) - Ở Việt Nam có khoảng 200 nghìn người, gồm cả trẻ em và người trưởng thành, mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Theo thống kê gần đây, Việt Nam có khoảng 200 nghìn người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Số trẻ tự kỷ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng. Cứ 100 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị mắc chứng tự kỷ. Do đó, rất cần sự chung tay hành động của toàn xã hội để giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chị Mai Anh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ câu chuyện cảm động về hành trình chăm sóc con trai bị rối loạn phổ tự kỷ (hay trẻ tự kỷ). Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1999) con trai chị được sinh ra ở một thời điểm hai chữ “tự kỷ” rất hiếm người biết tới. Đưa con đi khám bác sĩ, nhưng không ai biết con chị mắc bệnh gì. Một lần, người mẹ này tình cờ phát hiện ra nguyên nhân khiến con mình có biểu hiện bất thường khi đọc được một cuốn sách miêu tả về chứng tự kỷ. Và đó là lần đầu tiên người mẹ này biết tới hai từ "tự kỷ". Vội vàng đưa con quay lại Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám chuyên sâu. Bài kiểm tra của bác sĩ khẳng định con trai chị mắc căn bệnh tự kỷ. Lúc đó, Hiếu 2 tuổi 6 tháng. Thời điểm ấy, những kiến thức về bệnh tự kỷ rất ít, ngoài việc tự học tập lẫn nhau giữa các mẹ cùng cảnh ngộ, chị Mai Anh phải lần mò từng chút tài liệu ít ỏi bằng tiếng anh, rồi thuê người dịch rất vất vả. Chị Mai Anh chia sẻ: “Gia đình tôi có con tự kỷ khá sớm ở Việt Nam nên mọi thứ đều mới. Các phương pháp đều phải một là đi ra nước ngoài học, hai là mời chuyên gia nước ngoài về dạy. Cha mẹ tự mở mô hình trường học cho trẻ tự kỷ, giáo viên do mình tự tuyển, tự đào tạo.”
Từ một đứa trẻ không chịu ăn, ngủ, thích la hét, đến năm hơn 5 tuổi, Hiếu bắt đầu học nói, dù khả năng giao tiếp xã hội vẫn rất kém. Những năm sau đó, Hiếu tỏ ra thích chơi đàn và vẽ tranh. Hiện tại, Hiếu chơi đàn rất hay, vẽ được nhiều tranh, tự nấu được nhiều món ăn cho mình. 20 năm kiên trì đồng hành cùng con, chị Mai Anh đã giúp con hòa nhập cuộc sống.
Trẻ em bị mắc chứng tự kỷ được vui chơi, khám phá thế giới qua những hình ảnh ngộ nghĩnh. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Câu chuyện của chị Mai Anh không phải là cá biệt, vì theo ước tính, ở Việt Nam có khoảng 200 nghìn người, gồm cả trẻ em và người trưởng thành, mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Trong thực tế, nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan và tổ chức đã xây dựng nhiều trường, trung tâm hỗ trợ việc chăm sóc cũng như tư vấn về căn bệnh tự kỷ. Một trong số đó là trung tâm “Vì tương lai trẻ tự kỷ” ở Hà Nội.
Vào ngày này rất nhiều tòa nhà lớn tại hơn 130 nước cùng thắp nên ngọn đèn màu xanh dương (biểu tượng của hi vọng). Ảnh: VOV |
Nếu như đây không phải là lớp học tự kỷ thì màn chào hỏi của Bi 15 tuổi và cô giáo sẽ gây ngạc nhiên cho bất cứ ai. Bi cũng giống như hàng chục trẻ tự kỷ khác đang được điều trị tại trung tâm “Vì tương lai trẻ tự kỷ” mang khiếm khuyết điển hình trong khả năng giao tiếp xã hội. Tách các em ra khỏi vỏ bọc của chính mình, một chút giao tiếp thôi cũng là rất quý. Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên ở trung tâm “Vì tương lai trẻ tự kỷ”, chia sẻ: “Đối với trẻ tự kỷ thì không phải cái gì cũng nhanh chóng được, phải có từng bước. Mình biết được các hạn chế của các con rồi thì mình mới bắt đầu xây dựng một chương trình học phù hợp với mỗi cá nhân. Cũng là một người mẹ, tôi coi các cháu như con mình. Các bé cũng dần dần và tự mở lòng ra với mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc.”
Hoạt động trong Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 1-4 tại Bắc Ninh (Ảnh: VAN). |
Dạy trẻ tự kỷ không thể sốt ruột và càng không thể thiếu tình yêu thương, niềm hạnh phúc sẽ đến bất ngờ. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giám đốc trung tâm “Vì tương lai trẻ tự kỷ” cho biết: Khả năng ngôn ngữ của trẻ tự kỷ rất kém, đặc biệt là hiện tượng chậm nói, nói nhại… Các cháu sẽ được học nói từng từ một, từ những từ đơn giản nhất như ạ, mẹ, bà… Khoảng thời gian để các cháu có thể phát âm cũng không phải ngày một ngày hai. Có cháu mất hơn 1 năm, 2 năm, thậm chí nhiều năm.“Trước kia khi các con vào lớp và nói về tự kỷ thì cô giáo không biết tự kỷ là gì. Bây giờ nhà nhà người người biết về tự kỷ. Đó là một điều đáng mừng cho các con. Các con đỡ bị kỳ thị hơn, các con được chấp nhận hơn trong môi trường cộng đồng.”
Không có giáo án hay phương pháp cụ thể dạy cho trẻ mắc tự kỷ. Phần lớn, các cô giáo phải tùy vào tình trạng của từng trẻ để dạy, "điều tiết" cách dạy và trị liệu riêng. Kinh nghiệm chính là "kim chỉ nam" cho các giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng cho biết trong số những em bé bị mắc chứng tự kỷ, một số em có thể phục hồi trước tuổi đi học và có thể đến trường như các bạn đồng trang lứa bình thường khác. Tuy nhiên, cũng có những em, đã quá tuổi đi học nhưng về ngôn ngữ hay trí tuệ không thể khôi phục bình thường trở lại, các em lại một lần nữa thiệt thòi vì không thể đến trường: “Trẻ tự kỷ không phải như trước đây mọi người nhận định là 2,3 tuổi mới phát bệnh mà tự kỷ là hội chứng bẩm sinh, có thể phát hiện ngay trong những tháng đầu đời. Phát hiện sớm giúp làm giảm những hội chứng đó và nắm bắt được các cơ hội vàng trong các giai đoạn phát triển của mình. Bố mẹ phát hiện ra những dấu hiệu chậm ở con thì đưa con đến các cơ sở khám, điều trị sau đó trang bị cho mình ngay những kiến thức. Bố mẹ làm chuyên gia của con trước khi trông chờ vào các chuyên gia khác, dành nhiều thời gian hơn với con, nói chuyện tương tác, tiếp xúc với con nhiều hơn.”
Trẻ tự kỷ ở Việt Nam được xếp vào một dạng khuyết tật. Đây là một thuận lợi cho các em khi được hưởng chính sách, chế độ của Nhà nước dành cho những người khuyết tật. Qua đó, phần nào giúp các em có thêm niềm tin, hy vọng để hòa nhập cộng đồng.