(VOV5) - Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Với chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”, Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là dấu mốc quan trọng để Việt Nam nhìn lại các thành quả mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong suốt 30 năm qua.
Ảnh minh họa
|
30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và trở thành điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Những bài học kinh nghiệm trải qua cùng với Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Sau khi Luật HIV được ban hành năm 2006, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao. Trung bình, hàng năm xét nghiệm HIV trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000-10.000 người nhiễm HIV. Hiện nay đang điều trị thường xuyên, liên tục cho 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus gây ức chế sự phát triển của virus HIV (ARV). Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay.
Bà Triệu Thanh Dung, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Hai năm gần đây, Chính phủ đã có chính sách chuyển nguồn hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV/AID từ nhà tài trợ sang sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Mặt khác với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã bào chế được nhiều loại thuốc tốt, người nhiễm HIV dùng thuốc vẫn khỏe mạnh bình thường".
Việt Nam có cam kết chính trị rất mạnh mẽ trong công tác phòng, chống AIDS và thường xuyên là quốc gia đầu tiên hưởng ứng các mục tiêu, chủ trương chiến lược của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống AIDS. Việt Nam đã triển khai việc xét nghiệm sàng lọc HIV bao phủ 100% tuyến huyện và xét nghiệm khẳng định HIV bao phủ 100% tỉnh/thành phố. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mở rộng điều trị ARV qua Bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên. Bên cạnh đó, việc điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) được triển khai tốt.
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, khẳng định: "Các chính sách hiện hành của Nhà nước đã bảo đảm khi người nhiễm Hiv có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được chăm sóc, hỗ trợ y tế cũng như được thanh toán quyết toán thuốc xét nghiệm theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước. Cùng với đó, các địa phương đã đảm bảo hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế thông qua quỹ khám".
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thế chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 trường hợp/năm và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng.