(VOV5) - Đề tài của Nguyễn Thị Ánh Dương có tên là cấu trúc quần xã tuyến trùng ở vùng núi đá vôi ở khu vực Đông Bắc Việt Nam.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại CHLB Đức, Nguyễn Thị Ánh Dương quyết định trở về Việt Nam để góp phần mình trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam. Hiện nay, cô đang công tác tại Phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học được đánh giá cao và nhiều bài báo được đăng trên tạp chí khoa học uy tín quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương, một trong chín nhà khoa học trẻ nhận giải Quả cầu vàng năm 2017 trả lời phỏng vấn về việc nghiên cứu các đề tài khoa học trong lĩnh vực môi trường mà cô thực hiện.
TS Nguyễn Thị Ánh Dương (thứ tư từ phải sang) tại lễ trao giải thưởng Quả cầu vàng 2017 - Ảnh: khoahocphattrien |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào Ánh Dương, Dương có thể cho biết về kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực môi trường mà Dương đang theo đuổi?
Nguyễn Thị Ánh Dương: Trong lĩnh vực công nghệ môi trường, nghiên cứu chính và quan trọng nhất của tôi là đề tài trong thời gian tôi là nghiên cứu sinh ở bên Đức. Đề tài mang tên là cấu trúc quần xã tuyến trùng ở vùng núi đá vôi ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. Trong đề tài này, tôi nghiên cứu việc sử dụng cấu trúc quần xã tuyến trùng là những sinh vật rất là nhỏ sống ở trong đất. Thường thì mọi người đều hỏi câu hỏi: Tuyến trùng là gì? Tuyến trùng là những con sinh vật rất nhỏ không thể nhìn bằng mắt thường được. Nó có thể sống trong đất, sống trong môi trường biển hoặc ký sinh trên thực vật. Tôi nghiên cứu cấu trúc của kiến trúc này đối với những sinh vật nhỏ khác đóng vai trò như thế nào trong hệ sinh thái đất. Từ đó tôi có thể đề xuất ra những chỉ số để có thể đánh giá nhanh về chất lượng đất đó ảnh hưởng như thế nào hoặc ta có thể dùng những sinh vật ấy để làm chỉ thị cho sự biến đổi môi trường hoặc ví dụ như nạn phá rừng v.v để mình chỉ thị cho những vùng đất bị tác động hay là không.
PV: Nghiên cứu đề tài khoa học như vậy thì Ánh Dương có gặp phải những khó khăn, trở ngại như thế nào?
Nguyễn Thị Ánh Dương: Rất khó khăn nhất là phụ nữ làm khoa học. Trong điều kiện nghiên cứu của tôi, tôi làm tiến sĩ ở bên Đức mà lại còn có con nhỏ nữa. Vấn đề để con ở nhà và mình sang bên Đức làm việc là rất khó khăn. Ví dụ, có chuyến tôi đi thực địa ở Việt Nam về nhà lúc đã tối khuya. Về nhà, hỏi con là: tại sao con lại khóc? Con tôi nói: mẹ về rồi mẹ lại phải đi. Và khi ấy, mẹ khóc con khóc. Ở những vị trí công việc khác, hết giờ làm việc là hết công việc. Nhưng chúng tôi hết giờ làm việc thì mới là bắt đầu công việc. Bởi lúc đó, mình mới có thể viết lách hoặc là nêu ý tưởng.
PV: Ánh Dương đã phải thực hiện như thế nào để hoàn thiện được đề tài khoa học nghiên cứu về cấu trúc quần xã tuyến trùng ở vùng cao như vậy?
Nguyễn Thị Ánh Dương: Đề tài này cũng vô cùng vất vả. Bởi vì đề tài khoa học của tôi làm trên hệ sinh thái núi đá vôi. Ba vùng tôi chọn đó là Cao Bằng, Hải Phòng và Lạng Sơn. Tôi phải đến đó lấy mẫu đất rồi tách lọc. Công việc phải đi vào rừng. Khi vào rừng thì có thể chịu những vấn đề mình có thể gặp những virút lạ từ rừng. Đấy là những vất vả mà tôi phải đối mặt.
PV: Theo Ánh Dương, một nhà khoa học nữ cần những nỗ lực như thế nào để vượt qua những khó khăn để chinh phục đỉnh cao của khoa học?
Nguyễn Thị Ánh Dương: Tôi nghĩ đó là quyết tâm của bản thân mình. Bởi vì gia đình mình đã hy sinh cho mình. Mình có toàn thời gian để nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy mình sẽ phải cống hiến hết sức mình cho khoa học.
PV: Đề tài của Ánh Dương có tính ứng dụng như thế nào, Dương có thể chia sẻ với các thính giả của chương trình?
Nguyễn Thị Ánh Dương: Tính ứng dụng của đề tài đó là sử dụng những chỉ số khoa học ứng dụng cho những loài sinh vật rất nhỏ để biết được môi trường này có có bị ô nhiễm hay là không. Hoặc là môi trường ô nhiễm đó có nhiều loài ví dụ loài nào là loài đặc trưng của môi trường đó. Mình phải phân loại và phải nhìn cấu trúc quần xã tuyến trùng ấy dưới kính hiển vi.
PV: Điều mà Dương mong muốn lan tỏa tới các bạn trẻ trong công tác nghiên cứu khoa học là gì?
Nguyễn Thị Ánh Dương: Tôi mong muốn cống hiến sức trẻ của mình và nhiệt huyết của mình để lan tỏa đến các bạn trẻ. Làm sao để các bạn cố gắng nỗ lực hết sức thì các bạn sẽ có kết quả. Và một điều quan trọng nhất là bây giờ các bạn trẻ còn thiếu đấy là làm việc bằng tâm. Khi các bạn cống hiến hết sức hết mình thì các bạn sẽ đạt được kết quả tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn Ánh Dương về nội dung cuộc trò chuyện và chúc cho Ánh Dương sẽ đạt được những thành công mới trong nghiên cứu khoa học của mình.