Cuộc sống nơi Đất Mũi

 

 Cuộc sống nơi Đất Mũi - ảnh 1
 Mũi Cà Mau - ảnh internet


Xã Đất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100km,  cách điểm km cuối cùng của quốc lộ 1A chạy từ Bắc vào Nam khoảng 50km đường sông. Phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nơi đây là bằng tàu cao tốc hoặc xuồng máy. Cuộc sống ở vùng tận cùng của đất nước ngày một thay đổi nhưng cách sống của người dân thì vẫn bình dị và nền nã.

 

Diện tích rừng phồng hộ ven biển tầng tầng, lớp lớp mắm, đước, sú, vẹt, chạy dài hàng trăm km như tấm áo choàng xanh bao quanh Mũi Cà Mau. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản.

 

Theo ông Lý Hoàng Tiến, chủ tịch UBND xã Đất Mũi thì: Địa phương không đi lên từ công nghiệp hay các ngành nghề khác được,mà phải đi lên bằng chính lợi thế của địa phương . Cái thứ nhất về nuôi trồng nhưng do liên quan đến rừng phòng hộ nên phát triển theo hương nuôi tôm sinh thái. Sản phẩm đánh bắt được từ biển thì phải chế biến, bán thô. Còn giờ thì phải thành lập các làng nghề như làng nghề cá khô khoai, làng nghề tôm khô. Từ làng nghề đó chế biến sản phẩm bán giá thấp thành sản phẩm có giá trị cao.”

 

Ông Tiến cho biết đặc thù của vùng Đất Mũi cũng khác hơn so với các vùng lân cận là người dân nơi đây sống xen lẫn trong khu vực của vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Người dân vừa trồng rừng, vừa bảo về rừng một cách tự nguyện và nuôi trồng hải sản trong diện tích cho phép. “Đặc thù của vườn quốc gia Mũi Cà Mau có điểm khác là khi thành lập vườn thì trong vườn có nhiều loại hình như loại hình khu dân cư, đất vùng đệm, đất quản lý nghiêm ngặt…cho nên hiện nay giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển rừng và phát triển các ngành nghề khác cũng là một vấn đề. Rừng quốc gia không được tác động đến mà còn phải trồng thêm diện tích nhất định theo quy định của nhà nước. Người dân trồng và giữ mãi diện tích không được tác động, năm mười năm cũng không được khai thác, Còn những nơi khác cũng là đất rừng, rừng sản xuất, họ giữ đến chu kỳ thì được khai thác. Họ bán sản phẩm và tiếp tục được trồng lại.”

 

Cuộc sống nơi Đất Mũi - ảnh 2 
 Đất Mũi nhìn từ biển - nguồn: Internet


Chính quyền xã Đất Mũi đang có những đề xuất để giúp người dân địa phương có thêm điều kiện để phát triển kinh tế như đưa dân ra khỏi rừng quốc gia hoặc là hàng năm hỗ trợ thêm tiền tương ứng với số ha rừng họ trông nom. Tuy nhiên đây mới là những dự định từ cấp chính quyền còn hiện tại người dân vẫn sống trong vùng đệm, sống xen lẫn trong khu vực vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

 

Như gia đình anh Phạm Văn Ngoan, 14 năm ở xã Đất Mũi, cuộc sống gắn liền với vườn quốc gia và với những vuông tôm. Cả gia đình anh giờ trông mong vào 2,5ha chuyên nuôi tôm và cua biển. Ở đây có nhiều cây quá nên khó nuôi, lá cây rơi xuống nhiều quá khiến không nuôi nổi tôm. Tuy nhiên , chỉ có nuôi tôm, cũng đủ sống.”

 

Những hộ dân như nhà anh Ngoan đang chuẩn bị để thả mẻ tôm giống mới. Mỗi năm người dân ở đây cũng chỉ làm được một vụ tôm, thời gian còn lại là nuôi cua biển. Theo anh Ngoan, nếu cần cù, chăm chỉ thì cuộc sống cũng khấm khá. “Tôm cua thu hoạch đủ ăn. Chi phí một năm khoảng hơn mười triệu, còn lại có đồng ra đồng vào, đủ ăn.”

 

Cuộc sống nơi Đất Mũi - ảnh 3 
 Nguồn: internet

Dân ở xã Đất Mũi đa phần là người ở các nơi khác đến sinh sống và làm ăn. “Đất lành chim đậu” nên người dân ở đây đùm bọc thương yêu, sớm tối có nhau. Lặn lội từ huyện Cái Nước về đây, vợ chồng chị Bao Thị Hiền cũng gắn bó với vùng đất cuối cùng của tổ quốc được gần 14 năm rồi. Chị còn nhớ những ngày đầu xuống đây, bỡ ngỡ lạ nước lạ cái nhưng được bà con Đất Mũi giúp đỡ từ việc làm đất, nuôi tôm. Giờ cuộc sống tuy vẫn còn nhiều vất nhưng chị Hiền cũng thấy hài lòng. Một vụ nuôi tôm cũng lời mấy chục triệu. Không còn đói như trước, cũng đủ ăn. Nhà có hai đứa con, nhà không có thuê người làm chỉ có hai vợ chồng và hai đứa con làm. Làm lặt vặt quanh nhà.”

 

Dù đã thay đổi nhiều nhưng cuộc sống của người dân nơi vùng Đất Mũi vẫn còn nhiều bấp bênh. Nói như ông Lý Hoàng Tiến, chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cuộc sống của người dân phần nhiều vẫn dựa vào thiên nhiên. Tuy nhiên với những gì mà Đất Mũi có được như ngày hôm nay là một sự cố gắng lớn của toàn thể nhân dân và chính quyền nơi đây.

 

Ông Tiến cho biết: “Đất Mũi là xã cuối cùng của cực Nam tổ quốc, trong kháng chiến là cái nôi cách mạng.  Đất Mũi còn nghèo, cơ hạ tầng cón thấp nhưng so với trước đời sống cũng nâng lên. Điện đường trường trạm cũng giải quyết được cơ bản. trường học được kiên cố xong, trẻ em đến độ tuổi được đến trường. xã có một phòng khám đa khoa với quy mô 10 giường.”

 

 

Trong thời gian tới, xã Đất Mũi đang triển khai đề án xây dựng nông thôn mới. Trước hết là xã hội hóa việc xây dựng điện, đường, trường, trạm… để đến năm 2015, đời sống kinh tế xã hội của toàn xã sẽ được nâng lên một bước mới cao hơn./.

Lan Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác