(VOV5) - Hơn 20 bản tham luận khoa học được trình bày tại hội thảo tập trung phân tích tiềm năng, thế mạnh của di sản địa chất tại khu vực ven biển và hải đảo huyện Núi Thành và các khu vực lân cận.
Ngày 3/8, tại huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học:“Nhận diện giá trị di sản địa chất huyện Núi Thành”.
Ghềnh đá Bàn Than. (Ảnh: dantri.com.vn)
|
Hơn 20 bản tham luận khoa học được trình bày tại hội thảo tập trung phân tích tiềm năng, thế mạnh của di sản địa chất tại khu vực ven biển và hải đảo huyện Núi Thành và các khu vực lân cận.
Các nhà khoa học cho rằng nổi bật nhất trong cấu tạo địa chất của vùng ven biển, hải đảo huyện Núi Thành phải kể đến khu vực núi đá Bàn Than thuộc xã đảo Tam Hải. Đá ở Bàn Than không phải là đá núi lửa, mà là đá gốc có niên đại đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Ngoài các giá trị địa chất, vùng này còn hội tụ nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng của một vùng đất có bề dày văn hóa.
Với các đặc điểm về cảnh quan cũng như giá trị khoa học như trên, khu vực các xã Tam Hải, Tam Quang và phụ cận thuộc huyện Núi Thành, các nhà khoa học khẳng định khu vực này xứng đáng là một di sản địa chất ở tầm cỡ thế giới.
Vì vậy hội thảo lần này là tiền đề để tỉnh Quảng Nam xây dựng hồ sơ bảo tồn và xây dựng hồ sơ khoa học để tham gia vào mạng lưới Công viên địa chất quốc gia, Công viên địa chất toàn cầu đối với di sản địa chất huyện Núi Thành.