(VOV5) - Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Hôm nay (23/02), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị "Công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Theo quy hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Theo quy hoạch, trong lĩnh vực bưu chính, mục tiêu đến năm 2025, hình thành 3 Trung tâm bưu chính khu vực và 14 Trung tâm bưu chính vùng trên cả nước; đến năm 2030, mục tiêu xây dựng 3 - 5 Trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước.
Hội nghị Công bố Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: nhandan.vn |
Về hạ tầng số, mục tiêu của quy hoạch đến năm 2025, 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% hạ tầng thiết yếu có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT; 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số; 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp. Đồng thời, đầu tư thêm 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế; hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia. Đến năm 2030, mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế; 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Về hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, đặt mục tiêu mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.
Về An toàn thông tin mạng, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng hàng đầu châu Á. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng các công nghệ nguồn mở để tự chủ công nghệ và phát triển, làm chủ thị trường an toàn thông tin mạng, an ninh mạng Việt Nam. Theo đó, Việt Nam phải trở thành cường quốc an toàn không gian mạng để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo đảm an ninh thông tin, trật tự an toàn xã hội.
Về công nghiệp công nghệ thông tin, hướng tới phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam theo tinh thần kết hợp tự cường và hợp tác quốc tế, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển về công nghệ số và bằng công nghệ số.