(VOV5) - Trong những năm qua, Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật người khuyết tật và các Luật chuyên ngành.
Hướng tới Ngày quốc tế về người khuyết tật (3/12), sáng nay (29/11), tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Paralympic Việt Nam tổ chức “Diễn đàn lắng nghe tiếng nói người khuyết tật”.
Trao quà cho người khuyết tật Hà Nội. Ảnh minh họa: VOV |
Tham dự diễn đàn, các đại biểu có cơ hội lắng nghe những chia sẻ về cuộc sống, về những khó khăn trong tiếp cận việc làm, học nghề, các dịch vụ xã hội cơ bản của người khuyết tật, cùng những mong muốn, nguyện vọng chính đáng để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, số lượng người khuyết tật hiện chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên tại Việt Nam. Mặc dù luôn cố găng vươn lên, nhưng phần lớn người khuyết tật ở Việt Nam đang sống ở vùng nông thôn, điều kiện sống còn khó khăn nên rất cần được sự trợ giúp từ nhà nước và cộng đồng: “Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9% và khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực Châu Á - Thái bình dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn.”
Trong những năm qua, Việt Nam luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm sâu sắc, được thể hiện trong Hiến pháp, Luật người khuyết tật và các Luật chuyên ngành, như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Giáo dục nghề nghiệp.... Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật vào năm 2014, phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật vào năm 2019.