(VOV5) - Một trong những định hướng lớn phát triển Thủ đô Hà Nội đó là phát triển thành phố sáng tạo cùng với danh hiệu "thành phố vì hòa bình".
Đây được coi là đòn bẩy trong phát triển bền vững trên nền tảng Thủ đô nghìn năm tuổi, không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư mà còn có vai trò trong giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra trong quá trình đô thị hóa hiện nay.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đã 11 thế kỷ kể từ mùa thu Canh Tuất 1010, Vua Lý Thái Tổ ban “Chiếu dời đô”, quyết định dời kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư về định đô tại đất “Rồng bay”, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương để kiến tạo nên Thăng Long - Hà Nội với những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc. Hà Nội được vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”.
Thành phố Hà Nội yêu chuộng hòa bình đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai. Ảnh: TTXVN |
Tháng 10/2019, tròn 20 năm kể từ khi được vinh danh là Thành phố hòa bình của Tổ chức Giáo dục - Khoa học – Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo. Thành công này cho thấy quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của Hà Nội trong việc phát triển Thủ đô với bản sắc riêng để đưa trái tim về văn hóa và sáng tạo của cả nước trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới. Danh hiệu Thành phố sáng tạo về thiết kế của Hà Nội cũng như những định hướng mới cho chiến lược phát triển Thủ đô nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng và các đối tác quốc tế. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định cùng với việc xác định các nguồn nội lực, Hà Nội định vị tầm nhìn, xác định mục tiêu chiến lược để phát triển thủ Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại: "Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực thiết kế sáng tạo, cũng như nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo".
Sản phẩm sơn mài làng Hạ Thái, Hà Nội thu hút nhiều du khách tham quan. Nguồn: thanglong.chinhphu.vn |
Phát triển thành phố sáng tạo chủ yếu dựa trên nền tảng của những giá trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội nhằm giảm dần ô nhiễm do phát triển nóng về kinh tế. Do đó, với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến của thành phố, các nhà khoa học tin tưởng hoàn toàn có cơ sở để Hà Nội phát triển các tiềm năng thương mại và văn hóa. Hàng trăm điểm sáng tạo vốn có của thành phố, cùng với nghệ thuật thủ công phong phú của khoảng 1.500 làng nghề truyền thống lịch sử lâu đời ở Hà Nội đang mở ra cơ hội để phát triển thành phố sáng tạo thu hút du khách. Tiến sỹ Nguyễn Quang, Trưởng đại diện cơ quan phát triển khu dân cư và đô thị bền vững của Liên hợp quốc, cho rằng: "Các lớp lịch sử văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội tạo ra sự khác biệt của Hà Nội. Các lớp của thời kỳ tiền phong kiến, phong kiến, thời kỳ thực dân, thời kỳ Xã hội chủ nghĩa bao cấp và thời kỳ đổi mới. Đấy là tài sản đặc biệt làm nên sự khác biệt của Hà Nội. Trong thế giới ngày nay sự phát triển, sự khác biệt chính là một động lực tạo ra sự phát triển, sự cạnh tranh của các thành phố trên thế giới".
Trở thành thành phố sáng tạo UNESCO, Hà Nội đã tham gia vào mạng lưới trên 240 thành phố của 84 quốc gia coi sáng tạo là nhân tố chiến lược cho phát triển bền vững, mở ra cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo với các thành phố sáng tạo toàn cầu như Berlin (CHLB Đức), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore… Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa luôn là nền tảng là nguồn sức mạnh nội sinh, là động lực to lớn để thực hiện các mục tiêu phát triển Thủ đô: "Mục tiêu chiến lược đang được hoạch định là đến năm 2025 phát triển thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực ASEAN; định hướng đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế; và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế".
Với định vị thành phố sáng tạo, Hà Nội sẽ tham gia vào dòng chảy toàn cầu đưa sáng tạo trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng để Hà Nội thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, thể hiện chiến lược và tầm nhìn rộng, tinh thần chủ động thích ứng với xu thế thời đại và vai trò tích cực tham gia kết nối toàn cầu với bạn bè thế giới, hướng tới trở thành Trung tâm sáng tạo của khu vực.