(VOV5) - Nguy cơ dịch xảy ra ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ tập trung làm gia tăng đứt gãy chuỗi cung ứng…
Tại hội nghị trực tuyến về tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ lương, thực thực phẩm trong điều kiện dịch COVID-19 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội diễn ra sáng nay (31/7), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, cùng với các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng, Bộ sẽ tiên phong và sát cánh cùng Hà Nội đảm bảo lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống.
Theo đánh giá chung, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với nguồn cung các sản phẩm nông sản hàng hóa thực phẩm là ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội. Ngoài ra, nguy cơ dịch xảy ra ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ tập trung làm gia tăng đứt gãy chuỗi cung ứng…
Hàng hóa tại Cần Thơ đã được cung ứng đầy đủ, không tăng giá, không có tình trạng "găm" hàng. Ảnh minh họa: VGP |
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, kiến nghị: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật kiến nghị của các địa phương đặc biệt là Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ giải quyết những nhu cầu chính đáng trong điều kiện dịch COVID-19, như: các phương án cấp mã nhận diện kiểm tra phương tiện vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải cho các nhóm thực phẩm tươi sống, mau hỏng và các nhóm vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, như: con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đảm bảo nhanh nhất và thông suốt trên địa bàn."
Với diễn biến dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất: "Cần rà soát lại sản xuất nông nghiệp của từng huyện cung ứng lương thực thực phẩm cho khu vực nội đô. Với nguồn cung tại chỗ hiện nay, mới có 113 kho lạnh để dự trữ, trong điều kiện dịch diễn biến xấu hơn thì việc tập kết nông sản vào các kho này là kịch bản đầu tiên phải quan tâm. Hà Nội đã có 786 chuỗi an toàn thực phẩm liên kết với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc, cần rà soát từng năng lực cung ứng chuỗi an toàn thực phẩm.
Trong trường hợp tình hình dịch xấu hơn, các hệ thống đầu mối bị “đóng băng”, chúng ta phải chuẩn bị danh mục những điểm tập kết và bố trí hàng trung chuyển ở ven khu vực nội đô. Ngoài ra, bố trí trước những điểm trung chuyển vào bếp ăn tập thể và khu công nghiệp cũng phải làm việc với từng chuỗi siêu thị. Bởi vì đây là khâu quan trọng trong việc phân phối bán lẻ hiện nay."