(VOV5) - Đây là hai người có nhiều cống hiến, đóng góp cho đất nước trong thời kỳ cách mạng.
Quang cảnh buổi lễ và các đại biểu làm nghi thức khánh thành phố Trịnh Văn Bô. - Ảnh: Ngọc Anh |
Sáng 14/3, Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội tổ chức lễ gắn biển 2 phố mang tên Trịnh Văn Bô và Hoàng Trọng Mậu, những người có nhiều cống hiến, đóng góp cho đất nước. Phố Trịnh Văn Bô và phố Hoàng Trọng Mậu gần cầu vượt Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm.
Nhà tư sản Trịnh Văn Bô là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, nổi tiếng giữa thế kỷ XX. Trong Tuần lễ Vàng năm 1945, ông ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng. Số vàng này gấp đôi ngân khố Chính phủ thời bấy giờ. Gia đình ông Trịnh Văn Bô sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng ông dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang của vợ chồng ông cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Gia đình ông cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng.
Ông Hoàng Trọng Mậu (1874 - 1916) là nhà chí sĩ yêu nước, liệt sĩ. Ông Hoàng Trọng Mậu tên thật là Nguyễn Đức Công, quê ở tỉnh Nghệ An. Ông tham gia các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp như phong trào Đông Du, Việt Nam Quang Phục Hội. Tháng 5 năm 1915, ông bị địch bắt tại Hương Cảng, rồi bị giam tại Hỏa Lò và sau đó năm 1916 ông bị địch xử bắn.