(VOV5) - Đáp ứng yêu cầu 4.0 là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất.
Các đại biểu tham gia Toạ đàm tại Hội thảo “Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động: quan điểm - thực hành và tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể” - Ảnh: BTC |
Tại hội thảo trực tuyến “Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 30/9, nhiều đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động hỗ trợ năng lực cho người lao động chuẩn bị thích ứng với các đòi hỏi của Công nghiệp 4.0.
Theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám Đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, với 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc đáp ứng yêu cầu 4.0 là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản.
Để thu hẹp dần các khoảng cách trong hợp tác nâng cao năng lực hướng tới công nghiệp 4.0, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc chương trình Better Work Việt Nam, nhấn mạnh người lao động cũng phải thích ứng, tự học hỏi, đáp ứng xu hướng thị trường lao động. "Trong nỗ lực thích ứng để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần phải xây dựng năng lực cạnh tranh của mình trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao có tri thức chứ không chỉ đơn thuần là nguồn lao động chi phí thấp và kém chất lượng. Thực tiễn ở doanh nghiệp tham gia vào chương trình Better work cho thấy, doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trang bị kiến thức cũng như kĩ năng mềm thì họ sẽ an tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và có nhiều đóng góp hơn cho doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp mang tính lâu dài để doanh nghiệp giữ chân người lao động và tránh “chảy máu” chất xám" - bà Hà nói.