(VOV5) - Các chuyên gia tại hội thảo tin tưởng Việt Nam có điều kiện và năng lực để đóng góp vào việc duy trì môi trường quốc tế hòa bình và ổn định.
Ngày 2/4, Viện Konrad Adenauer Stiftung tại Việt Nam (KAS) phối hợp với Học Viện Ngoại Giao Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Việt Nam trong Hội đồng bảo an: Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”.
Hội thảo nhằm bàn về thực trạng của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, mối quan hệ giữa các nước lớn và vai trò của các thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên Hợp Quốc nói chung và của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nói riêng trong bối cảnh hiện nay, bày tỏ hy vọng Việt Nam với tiềm năng và kinh nghiệm đã có, có thể được lựa chọn và đảm đương tốt vai trò Ủy viên không thường trực.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, nhấn mạnh đến ý nghĩa vai trò của Hội đồng bảo an cũng như quan điểm của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng: “Hòa bình luôn là quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế và cũng là nhiệm vụ hàng đầu của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an là cơ quan được giao chức năng, trách nhiệm hàng đầu trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Vào thời điểm hiện nay, ý nghĩa của hòa bình bền vững lại càng quan trọng. Quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế lớn liên quan đến hòa bình phù hợp với cộng đồng quốc tế, luật pháp quốc tế. Đường lối đối ngoại Việt Nam là hòa bình, độc lập, tự chủ và mong muốn đóng góp là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy đây là chủ đề Việt Nam đưa ra vì một nền hòa bình bền vững cho quá trình ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 của mình”.
Quang cảnh tại hội thảo |
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử làm thành viên không thường trực tại Hội đồng bảo an tháng 6 năm 2019, tin tưởng Việt Nam có điều kiện và năng lực để đóng góp vào việc duy trì môi trường quốc tế hòa bình và ổn định.