(VOV5) - Hơn 35,3 tỷ đồng (hơn 1,4 triệu USD) được 79 tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.
Hội thảo khoa học Quốc tế về Biển Đông
Trong 2 ngày, 23-24/10, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, diễn ra Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 16.
Hội thảo do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức, với sự tham gia của gần 50 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 23 quốc gia và các tổ chức quốc tế; gần 100 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, 22 Đại sứ cùng hàng trăm đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Quan chức cấp cao các quốc gia trong khu vực, đại diện tổ chức quốc tế và các chuyên gia tọa đàm trao đổi về các nội dung liên quan đến tình hình Biển Đông. Ảnh: baoquangninh.vn |
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 với 7 phiên về các chủ đề trong đó có: Hướng tới trật tự đa cực: “Hòa bình nóng”, “Chiến tranh lạnh” hay “Cùng tồn tại Hòa bình”?; Vai trò trung tâm của ASEAN trong thách thức: Tích cực chủ động hay ẩn mình chờ thời?; An toàn và tự do hàng hải từ Biển Đỏ tới Biển Đông: Trách nhiệm thuộc về ai?; UNCLOS sau 30 năm: Vẫn nguyên giá trị?... Hội thảo còn có 02 phiên Dẫn đề với sự trình bày tham luận dẫn đề quan trọng của Thẩm phán Horinouchi Hidehisa, Toà án Luật biển Quốc tế (ITLOS) và của quan chức, lãnh đạo từ nhiều quốc gia. Dịp này, Ban Tổ chức tìm kiếm những gương mặt trẻ, thế hệ kế cận trong nghiên cứu vấn đề Biển Đông và dành một Phiên đặc biệt Thế hệ trẻ và An ninh biển. Đáng chú ý, lần đầu tiên diễn ra Bàn tròn ASEAN nhằm kết nối các chuyên gia hàng đầu của Đông Nam để thảo luận về các cơ hội thúc đẩy hợp tác khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi là nền tảng đảm bảo hoà bình và ổn định quốc tế; và cũng là khuôn khổ chung cho các quốc gia giải quyết tranh chấp hoà bình và hợp tác; tại khẳng định tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS); nhấn mạnh UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương và là cơ sở cho các hành động và hợp tác trên biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thứ trưởng cũng cho biết việc Việt Nam đề cử ứng cử viên đầu tiên vào vị trí Thẩm phán Tòa án Quốc tế về luật biển (ITLOS) giai đoạn 2026-2035; khẳng định Việt Nam sẵn sàng cống hiến vào hoạt động của ITLOS; đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ, kiên định đối với UNCLOS nói riêng và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế nói chung.
Chương trình đã vận động, tiếp nhận được hơn 35,3 tỷ đồng cho Quỹ "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN. |
Hơn 1,4 triệu USD ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”
Hơn 35,3 tỷ đồng (hơn 1,4 triệu USD) được 79 tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” Thành phố Hồ Chí Minh trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc” lần thứ 11, diễn ra tối 22/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình cũng mang đến những hình ảnh chân thật về đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các vùng biên giới, hải đảo của Tổ quốc đang ngày đêm bám biển, bám đảo, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Đồng thời, đây là dịp báo cáo với đồng bào và nhân dân Thành phố về những công trình, phần việc mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Hội đồng quản lý Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ triển khai thực hiện. Qua đó khẳng định tình cảm, trách nhiệm, niềm tin của nhân dân cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đối với biển, đảo; động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân yên tâm sinh sống, công tác, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Thành lập Ban chỉ đạo Quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà
Thành phố Hải Phòng vừa thành lập Ban chỉ đạo Quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà thuộc Thành phố Hải Phòng. Ban chỉ đạo có chức năng chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là giúp UBND thành phố điều phối hoạt động giữa các sở ngành, đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới. Đồng thời, giúp UBND thành phố chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới.
Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vào tháng 9 năm ngoái, trở thành di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Cảnh sát biển Việt Nam triển khai Đề án Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”.
Ngày 24/10, Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2024-2030.
Trung tướng Bùi Quốc Oai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tạp chí biển |
Phát biểu tại đây, Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cánh sát biển Việt Nam, cho biết: Qua hơn 10 năm (năm 2013) tổ chức, Cuộc thi đã trở thành hoạt động có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, là sân chơi bổ ích, lý thú, hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, giáo viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả từ mô hình Cuộc thi, Cảnh sát biển Việt Nam đã đề xuất và được Bộ Quốc phòng đồng ý xây dựng Đề án tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2024-2030 và những năm tiếp theo: “Đề án tổ chức cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” trên phạm vi toàn quốc là Đề án có thời gian kéo dài từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Phạm vi của Đề án rộng trên toàn quốc và trước mắt là 28 tỉnh, thành với 136 huyện ven bờ và 318 huyện, các huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển. Như vậy, số lượng các địa bàn rất nhiều với số lượng Cuộc thi rất nhiều, cần phải huy động nhiều nguồn lực xã hội cho tổ chức Cuộc thi và các hoạt động an sinh xã hội, phối hợp chặt chẽ nhiều tổ chức lực lượng cùng chung tay thực hiện”.
Dịp này, Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, như: Trưng bày tranh, ảnh về biển, đảo Việt Nam; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, viết cảm xúc, thi làm video clip tuyên truyền với chủ đề “Biển, đảo Tổ quốc và người chiến sĩ Cảnh sát biển”; hưởng ứng và tham gia các Chương trình “Vì một Việt Nam xanh”, “Chống rác thải nhựa”,“Hãy làm sạch biển”.