Hơn 2 triệu USD hỗ trợ Việt Nam giảm tình trạng tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số

(VOV5) - Ngoài đóng góp tài chính từ MSD for Mothers và MSD Việt Nam, UNFPA cam kết tài trợ riêng cho dự án 810.000 USD, nâng tổng số tiền tài trợ lên 2.010.000 USD. 

Sáng ngày 24/09, tại Hà Nội, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Công ty Dược phẩm sinh học đa quốc gia Merck Sharp & Dohme và Quỹ MSD cho các bà mẹ (MSD for Mothers) đã ký kết, khởi động Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam”. Dự án với tổng số tiền tài trợ hơn 2 triệu USD được thực hiện trong thời  gian 3 năm từ 2021 đến 2024. 

Hơn 2 triệu USD hỗ trợ Việt Nam giảm tình trạng tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số - ảnh 1Cô đỡ thôn, bản huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái (bên trái) hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Phát biểu tại sự kiện, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh rằng việc ký kết khởi động Dự án là một bước tiến đánh dấu công tác hỗ trợ của UNFPA cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những đối tượng ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam:

Việc ký kết khởi động Dự án ngày hôm nay thể hiện cam kết của UNFPA trong việc tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đảm bảo quyền và sự lựa chọn cho tất cả mọi người, đồng thời đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục có chất lượng để ngăn chặn tình trạng tử vong mẹ, góp phần vào nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030”. Bà Naomi Kitara nói, 

Hơn 2 triệu USD hỗ trợ Việt Nam giảm tình trạng tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số - ảnh 2Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. Ảnh Hà Linh

Theo đó, UNFPA sẽ phối hợp thực hiện dự án với Bộ Y tế, Sở Y tế 6 tỉnh (gồm Lai Châu, Sơn La, Đắc- Nông, Kon-Tum và Gia Lai )và các tổ chức xã hội dân sự trong nước trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 30/9/2024. Ngoài đóng góp tài chính từ MSD for Mothers và MSD Việt Nam, UNFPA cam kết tài trợ riêng cho dự án 810.000 USD, nâng tổng số tiền tài trợ lên 2.010.000 USD.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế đánh giá cao sự hỗ trợ của UNFPA và Công ty dược phẩm sinh học MSD, khẳng định sự đồng hành của Bộ Y tế đối với dự án: “Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận là một điểm sáng trong thực hiện các ,mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Hiên nay, chúng tôi đang nỗ lực duy trì kết quả thực hiện các mục tiêu đó và hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triền bền vững vào năm 2030 với mục tiêu: Không để ai bị bỏ lại phía sau giảm thiểu mức cao nhất các trường hợp tử vong mẹ do các nguyên nhân có thể phòng tránh được" 

  Cải thiện tình trạng sức khỏe của những đối tượng bị bỏ lại phía sau, bao gồm cả người dân tộc thiểu số, là trọng tâm trong chương trình nghị sự về phát triển của Chính phủ. Những bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất rút ra từ sáng kiến này sẽ giúp Bộ Y tế triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2021-2025 với tầm nhìn đến năm 2030, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về chăm sóc sức khỏe”.

Hơn 2 triệu USD hỗ trợ Việt Nam giảm tình trạng tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số - ảnh 3Tông Trần Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ Trẻ em ( Bộ Y tế) phát biểu tại lễ khởi động. Ảnh Hà Linh

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi; và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Theo đánh giá của UNFPA, trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân. Việt Nam là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các dân tộc và vùng miền.

UNFPA, với tư cách là cơ quan hàng đầu của Liên Hợp Quốc về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, đang nỗ lực hướng tới mục tiêu giúp Việt Nam trở thành quốc gia không có ca tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được, không có nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng, và không còn bạo lực trên cơ sở giới và không có bất cứ thực hành nào có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.

MSD for Mothers là sáng kiến toàn cầu trị giá 500 triệu USD của MSD nhằm giúp tạo ra một thế giới không có người phụ nữ nào chết khi sinh nở. Trong gần một thập kỷ qua, MSD for Mothers đã có tác động mang tính chuyển đổi đến các thách thức về tử vong mẹ đã tồn tại lâu dài, giúp các quốc gia giảm tử vong mẹ và cải thiện sức khỏe bà mẹ với mục tiêu chung là hỗ trợ Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDG) 3.1, trong đó kêu gọi giảm tỷ lệ tử vong mẹ toàn cầu xuống dưới 70 ca tử vong mẹ trên 100.000 ca đẻ sống vào năm 2030.

 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác