(VOV5) - Cơ quan thực hiện chính tại Việt Nam là trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam vừa cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan ký Thỏa thuận Hợp tác Dự án “Phát triển hệ thống cấp nước thích ứng với nguồn nước ô nhiễm” với tổng vốn ODA không hoàn lại khoảng 250 triệu yen Nhật (tương đương 45 tỷ đồng tại thời điểm ký kết). Dự án thuộc Chương trình Hợp tác nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phát triển bền vững (SATREPS) 1.
Khai thác hiệu quả tài nguyên nước. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Trọng tâm của Dự án là nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý nước mới bằng màng lọc nano tiên tiến với năng lượng tiêu thụ thấp, sử dụng ít hóa chất mà không cần đến các bước tiền xử lý nước đầu vào, đồng thời giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu và các chi phí quản lý vận hành. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc chất lượng nước trực tuyến cũng sẽ được triển khai nhằm nâng cao độ tin cậy của hệ thống xử lý nước.
Dự án được dự kiến triển khai trong 5 năm, từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2028, với cơ quan thực hiện chính tại Việt Nam là trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng.
Dự án được kỳ vọng góp phần giải quyết các thách thức gây ra bởi các chất ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt và công nghiệp, hướng đến cấp nước an toàn và bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia, đáp ứng mục tiêu Phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện.
Gia tăng dân số, đô thị hóa và tốc độ phát triển cao tại các tỉnh và thành phố đã và đang làm gia tăng áp lực lên khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khai thác tài nguyên nước. Tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu tạo ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo cấp nước an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Do đó, phát triển công nghệ xử lý nước bền vững và hệ thống quan trắc, quản trị trên nền tảng công nghệ số là rất quan trọng, được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng mô hình thí điểm có tiềm năng nhân rộng trong tương lai.