(VOV5) - Kênh đào Suez nằm giữa bán đảo Sinai thuộc châu Á và phần lãnh thổ thuộc châu Phi của Ai Cập, có chiều dài hơn 193km, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ.
Ngày 17/11/2019, Ai Cập kỷ niệm 150 năm khánh thành kênh đào Suez. Trong suốt 150 năm hoạt động, kênh đào Suez là minh chứng lịch sử, chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh và tranh giành quyền lực với vị thế là một tuyến đường thủy quốc tế quan trọng bậc nhất.
Công trình được khởi công xây dựng năm 1859 và hoàn thành năm 1869, giai đoạn Ai Cập còn là thuộc địa của Anh, trở thành tuyến hàng hải huyết mạch và là con đường ngắn nhất đưa những con tàu của châu Âu, châu Mỹ tới các cảng thuộc châu Á, châu Phi, châu Đại Dương.
Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, kênh đào được coi là trung tâm của rất nhiều tranh chấp lợi ích giữa các nước. Điển hình là vào tháng 7 năm 1956, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào và muốn đặt căn cứ quân sự ở đây. Sự kiện này gây ra xung đột lợi ích liên quan tới các nước Mỹ, Anh, Pháp và Israel, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng kênh đào Suez - một trong những cuộc khủng hoảng quốc tế lớn lúc bấy giờ.
Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay, con kênh này vẫn đóng một vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích khổng lồ cho Ai Cập nói riêng và thế giới nói chung. Kênh Suez vẫn có vị trí lớn trên bản đồ hàng hải quốc tế, phương thức vận chuyển hàng hóa rẻ nhất và hiệu quả nhất từ hàng trăm năm qua. Theo các đánh giá, hơn 80% khối lượng thương mại quốc tế được vận chuyển bằng phương thức này. Ngày nay, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt và những khó khăn của ngành vận tải biển toàn cầu, kênh đào Suez vẫn là tuyến đường vận chuyển hàng hóa, dầu mỏ quan trọng hàng đầu khu vực và thế giới.
Với Ai Cập, nguồn thu từ kênh đào Suez từ nhiều thập niên qua đã trở thành một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng nhất bên cạnh nguồn thu kiều hối, du lịch và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt. Theo các báo cáo, doanh thu năm tài khóa 2018 - 2019 của Ai Cập do kênh đào Suez mang lại đạt 5,9 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm tài khóa trước, một kỷ lục mới của vận tải đường thủy. Ngoài ra, kênh đào Suez còn là một địa danh du lịch nổi tiếng, đóng góp không nhỏ cho ngành du lịch quốc gia Kim Tự Tháp.
Năm 2015, Ai Cập quyết định mở rộng tuyến đường biển quan trọng qua kênh đào Suez trong một dự án đầy tham vọng nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì bất ổn chính trị và an ninh. Hiện nay, bất chấp nhiều thách thức nội tại và bên ngoài, quốc gia Bắc Phi vẫn đang tiếp tục đặt cược vào dự án mở rộng đầu tư kênh đào Suez, khẳng định vị thế độc tôn của kênh đào này tại khu vực trong nhiều thập niên tiếp theo.
CTV: Nguyễn Linh, Kim Anh