(VOV5) - Trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung: Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử.
Hôm nay (10/10), kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2023). Nhân dịp này, tại di tích Nhà tù Hoả Lò đã diễn ra trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng”, tái hiện những dòng ký ức về thời khắc lịch sử của quân dân thủ đô, qua những hình ảnh, tư liệu lịch sử về ngày chiến thắng.
Chương trình tái hiện hình ảnh của Thủ đô Hà Nội khi bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến (cuối năm 1946) và Ngày trở về, ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) - Ảnh: chinhphu.vn |
Trưng bày được thể hiện qua 2 nội dung: Trường kỳ kháng chiến và Ngày về lịch sử. Phần trưng bày “Trường kỳ kháng chiến” thể hiện hình ảnh hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô nguyện chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; “Ngày về lịch sử”, trưng bày khắc họa hình ảnh 9 năm kháng chiến gian khổ đến ngày chiến thắng. Tham quan triển lãm, các vị lão thành cách mạng, cựu tù chính trị Nhà tù Hoả Lò và các cựu học sinh kháng chiến Hà Nội giai đoạn 1947-1954… không khỏi xúc động khi nhớ về những ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc và của Thủ đô Hà Nội. Đại tá Dương Niết, nguyên chiến sỹ Tiểu đoàn Bình Ca, năm nay đã gần 90 tuổi, chia sẻ: "Ngày 10/10/1954, lúc đó tôi 19 tuổi, tôi tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ rồi về tiếp quản Thủ đô. Lực lượng chính là Tiểu đoàn Bình Ca, là tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đơn vị chúng tôi có 214 người, vào tiếp quản. Tôi tiếp quản Sở cảnh sát Bắc Việt, (tức là 87 Trần Hưng Đạo hiện giờ). Những hình ảnh của trưng bày này gợi lại cho chúng tôi quá khứ hào hùng và thấy được ý chí xây dựng đất nước của các thế hệ sau.
Bà Đỗ Hồng Phấn, cựu học sinh kháng chiến trường Chu Văn An, Bí thư chi đoàn học sinh kháng chiến trường Nữ Trung học Trưng Vương (Hà Nội), chia sẻ: "Thời ấy, ý thức dân tộc mạnh mẽ lắm. Thanh niên ném truyền đơn, treo cờ kêu gọi kháng chiến. Tôi tham gia vào phong trào học sinh, đến giữa năm 1952 thì Thành Đoàn thanh niên đưa tôi ra vùng tự do. Hôm 10/10, tôi đi trong đoàn quân về Hà Nội. Có ảnh nhóm các bạn đón đoàn quân ấy đứng ở Hồ Hoàn Kiếm, góc đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ".
Ngay chính không gian trưng bày giai đoạn kháng chiến của quân, dân thủ đô, di tích Nhà Tù Hoả Lò tái hiện hoạt động chào cờ và hát Quốc ca của tù chính trị năm xưa. Khoảnh khắc đứng dưới lá cờ Tổ quốc, hát vang bài Tiến quân ca đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ trong chốn lao tù. Tham quan triển lãm, bạn Hà Linh, Sinh viên Học viện báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ: "Tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi nghe thuyết minh được biết thêm rất nhiều kiến thức về lịch sử. Tôi càng thêm tự hào về những chiến công mà cha ông ta đã giành được. Là một sinh viên tại Học viện báo chí và tuyên truyền, tôi thấy mình càng phải học tập và rèn luyện tốt hơn để xứng đáng với những công ơn mà các thế hệ đi trước đã hy sinh để chúng tôi có cuộc sống như ngày hôm nay".
69 năm đã trôi qua, thời khắc quân Giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô sáng 10/10/1954, mãi là dấu ấn lịch sử, luôn khắc ghi trong trái tim những người lính, nhắc nhớ thế hệ trẻ sống và cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô.