(VOV5) - Hiện nay, đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng.
Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì kinh tế tuần hoàn (KTTH) được coi là mô hình kinh tế có thê giải quyết những thách thức hiện nay.. .Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn được Chính phủ xác định là một trong những ưu tiên trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khái niệm KTTH được sử dụng chính thức đầu tiên bởi Pearce và Turner vào năm 1990). Nó dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”. Hay nói một cách đơn giản KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Mô hình này được xem góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ảnh minh họa/ Bộ Công thương |
Theo PGS, TS PGS, TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực: “Khác với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, tức là chỉ quan tâm chủ yếu đến việc khai thác tài nguyên để sản xuất rồi tiêu dùng mà chúng ta ít quan tâm đến việc vấn đề thải bỏ một khối lượng phế liệu ra môi trường. Trong khi mô hình KTTH lại chú trọng vào việc tái tạo tài nguyên theo một vòng tròn khép kín nhờ đó kéo dài tuổi thọ của nguyên vật liệu/ sản phẩm và tránh nhiều nhất việc tạo ra chất thải. Mục đích cuối cùng của KTTH là sẽ thiết kế lại tất cả một chu trình, từ vấn đề quản lý tái tạo tài nguyên, thiết kế lại sản phẩm để làm sao ảnh hưởng ra môi trường là ít nhất, có nghĩa là dòng tài nguyên được tuần hoàn lại tránh tạo ra chất thải nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.’
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Ảnh VCCI |
Thực hiện một vòng tròn của quá trình sản xuất, từ tính toán đầu vào, sử dụng tái chế đến coi chất thải là tài nguyên, mô hình kinh tế tuần hoàn còn là sự kết nối giữa các hoạt động sản xuất một cách có tính toán, bài bản hướng tới việc nguyên liệu được sử dụng lâu nhất có thể. Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững khẳng định, sự cần thiết cần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn một cách đồng bộ và thực chất hơn nữa tại Việt Nam: “KTTH chính là chìa khóa để giải bài toán, làm thế nào chúng ta sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên nhất, ít nguyên vật liệu nhất nhưng lại sản xuất ra nhiều sản phẩm nhất, đồng thời đi cùng với đó là những sản phẩm thân thiện với môi trường, những sản phẩm tiêu tốn ít năng lượng nhất”
Theo báo cáo của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới, kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra khoảng 7,7 nghìn tỷ USD và hơn 380 triệu việc làm vào năm 2030. Bên cạnh đó sẽ là những mô hình kinh doanh mới tạo ra nhiều giá trị kinh tế và môi trường. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...
Kinh tế tuần hoàn hướng tới một nền kinh tế Xanh phát triển bền vững |
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như gom tái chế sắt vun, giấy, mô hình vườn ao chuồng, thu hồi biogaz, khu công nghiệp sinh thái…
Ông Nguyễn Hồng Lam,Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm, một trong những doanh nghiệp tiên phong triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn từ chăn nuôi đến trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao cho rằng: “Nếu tất cả chúng ta làm được nông nghiệp tuần hoàn thì kinh tế chắc chắn sẽ phát triển và đặc biệt môi trường sẽ không bị ô nhiễm. Đó là điều chúng tôi rất quan tâm trong vẫn đề chăn nuôi, gắn với trồng trọt. Mô hình tuần hoàn khép kín này đang mang lại lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp chúng tôi”
Hiện nay, Việt Nam ngày càng nhiều FTA thế hệ mới với các nước. Trong đó đề ra nhiều quy định tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất phát thải, khí thải, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH. Chính vì thế, phát triển kinh tế tuần hoàn càng trở thành một nhu cầu tất yếu, một xu thế chủ đạo hướng đến phát triển bền vững. Để khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu,Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn về tín dụng xanh, về thuế hoặc đất đai….Bởi đó chính là đòn bẩy tài chính để những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào phát triển KTTH.
Đoàn công tác Trung ương tham quan dây chuyền tự động hóa tại Nhà máy Sữa Mega của Công ty Vinamilk. Ảnh BD |
Tiến sĩ Trí Hiếu nhận định: “Có 2 điểm mà tôi thấy rất đáng quan tâm liên quan đến tín dụng xanh và bảo lãnh tín dụng. Tôi làm việc trong ngành ngân hàng ở Mỹ nhiều năm và hầu như tất cả các ngân hàng ở Mỹ đều có chính sách về bảo vệ môi trường. Ở Việt Nam, một số ngân hàng có chương trình tín dụng xanh như tài trợ về phát triển năng lượng mới, môi trường nhưng hầu như tất cả các ngân hàng chưa đem vấn đề bảo vệ môi trường vào chương trình tín dụng của mình. Thứ 2, Việt Nam cần có một cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh toàn phần. theo quyết định 34/ CP, Việt Nam cũng đã có bảo lãnh tín dụng nhưng chỉ thông thường, loại hình bảo lãnh tôi nói là khoản cho vay cho mục đích bảo vệ môi trường. Tôi mong Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính quan tâm và có những chính sách về vấn đề này”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 của Việt Nam đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”. Với tinh thần đó, mới đây, Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP và và Bộ TN&MT thành lập "Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam", nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực của tất cả các bên liên quantrong việc áp dụng một cách có hệ thống các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, tạo ra sức mạnh tổng hợp và tích hợp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng các-bon thấp và tuần hoàn tại Việt Nam. Mạng lưới này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ nhiều nước.
Hội thảo trực tuyến công bố Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn quốc gia Việt Nam. |
Bà Grete Løchen, Đại sứ Nauy tại Việt Nam nhận định, mạng lưới tuần hoàn tại Việt Nam sẽ là một nền tảng tuyệt vời thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế Xanh. “Nauy vinh dự được chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong chương trình này. Mục tiêu của những dự án chúng tôi hỗ trợ là giúp VIệt Nam có thể thành công với nền kinh tế tuần hoàn, với sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, của các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội… để có thể nhận diện những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Cùng với khung chính sách khôn ngoan, sự tham gia của khu vực tư nhân cũng là chìa khóa quan trọng, coi kinh tế tuần hoàn là cơ hội kinh doanh của họ. Tôi rất vui là có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân của Nauy quan tâm đến đầu tư phát triển nền kinh tế tuần hoàn tai Việt Nam. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng là quốc gia có lượng rác thải lớn. Để giải quyết bài toán môi trường, Chúng ta cần có nhiều cố gắng nhiều hơn nữa, làm sao xây dựng kế hoạch hành động với những mục tiêu tái chế tham vọng.”
Hiện nay, đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng. Theo các chuyên gia thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn chính là cơ sở vững chắc để Việt Nam chuyển hóa được những thách thức, tận dụng thành công các cơ hội nhằm phát triển mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng xanh sạch và bền vững.