(VOV5) - Việt Nam đang chủ trương tăng số nước miễn visa đơn phương, mở rộng các nước được cấp eVisa; nâng cấp hệ thống eVisa về tính năng, giao diện của trang web...
Là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên tỷ lệ phục hồi của ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng của các điểm đến, Việt Nam đã có chính sách kích cầu du lịch, nới lỏng chính sách thị thực (visa) để đón du khách quốc tế.
Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới coi chính sách visa thông thoáng, thuận lợi là giải pháp để thu hút khách quốc tế - Ảnh: baochinhphu.vn |
Tại Hội thảo “Mở visa – phục hồi du lịch” do Báo Thanh niên tổ chức ngày (10/3), diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế, du lịch, đại diện các hãng hàng không, doanh nghiệp dịch vụ lưu trú, cho rằng chính sách visa của Việt Nam cần được nới lỏng để phục hồi du lịch. Tiến sỹ Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng: Tiềm năng về du lịch của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, với 8 di sản vật thể và 15 di sản phi vật thể, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 10 vườn di sản mà thế giới đã công nhận.
Theo ông Phạm Trung Lương: "Câu chuyện visa là một yếu tố rất quan trọng, đó là yếu tố đầu tiên mà chúng ta phải giải quyết. Đây là câu chuyện mà đứng ở góc độ những người nghiên cứu du lịch, chúng tôi đã nhận thấy và đã đề xuất Chính phủ khi quy hoạch Phú Quốc. Với Phú Quốc, đây là một điểm đến chúng ta có thể quản lý tốt nên miễn phí visa hoàn toàn. Thế nhưng, chúng ta chỉ miễn visa cho hai mươi mấy nước và chỉ có 15 ngày thì là câu chuyện đã từ lâu rồi".
Hiện, Việt Nam đã miễn thị thực cho du khách đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ và thời gian được miễn thị thực là 15 - 30 ngày. Việt Nam đang chủ trương tăng số nước miễn visa đơn phương, mở rộng các nước được cấp eVisa; nâng cấp hệ thống eVisa về tính năng, giao diện của trang web và điều chỉnh thay đổi chính sách eVisa để cạnh tranh với các nước. Theo Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, chính sách thị thực Việt Nam được quốc tế đánh giá là khá thông thoáng và thuận lợi. Việc đăng ký xin cấp thị thực hoàn toàn có thể thao tác trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Sau thời gian ba ngày, Cục Quản lý xuất nhập cảnh trả kết quả cho khách cũng hoàn toàn trên môi trường điện tử, du khách nước ngoài không phải chứng minh tài chính.
Ông Việt khẳng định thị thực du lịch Việt Nam có giá trị 90 ngày chứ không phải 15 ngày hay 30 ngày. Tuy nhiên, khi vào cửa khẩu thì luật quy định là cán bộ công an hoặc biên phòng cửa khẩu chỉ đóng dấu cho khách được vào tạm trú tại Việt Nam là 30 ngày. Khi hết 30 ngày này, họ có thể xuất cảnh hoặc quay lại để được tạm trú 30 ngày tiếp theo hoặc là yêu cầu doanh nghiệp lữ hành quốc tế gia hạn tạm trú cho họ đến hết 90 ngày như đúng kỳ vọng. Tôi có thể khẳng định như vậy. Không có một sự ngăn cản hoặc khó khăn nào trong việc các đơn vị lữ hành quốc tế xin gia hạn tạm trú cho khách du lịch.
Chính sách visa là lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực. Chính visa kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế, mở rộng danh sách các quốc gia được cấp e-visa và tạo điều kiện cho khách quốc tế xuất nhập cảnh ra vào nhiều lần, đây chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút du khách quốc tế.