(VOV5) - Vượt lên trên tất cả, những con tàu của ngư dân tỉnh Bình Thuận vẫn ngày đêm vươn khơi bám biển.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Với khoảng 7.000 tàu thuyền đang hoạt động, ngư dân tỉnh Bình Thuận nhiều đời nay làm giàu từ vùng biển Trường Sa của Tổ quốc. Dù hoạt động khai thác hải sản đang gặp một số trở ngại, nhưng ngư dân nơi đây vẫn kiên quyết ra khơi đánh bắt xa bờ, tiếp nối truyền thống ông cha bám biển.
Tàu cá của ngư dân Bình Thuận đánh bắt gần nhà giàn DK1. - Ảnh: VOV |
Hầu hết tàu thuyền của các ngư dân tỉnh Bình Thuận đều có công suất cao, trang bị thiết bị hiện đại, thiết bị giám sát hành trình, bộ đàm tầm xa hay máy lọc nước biển thành nước ngọt. Nhờ đó, các đội tàu vươn ra đánh bắt ở các ngư trường xa bờ như quần đảo Trường Sa, khu vực nhà giàn, các bãi cạn… đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hơn 30 năm tuổi nghề đi biển, là chừng ấy năm ông Trương Văn Toàn, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận gắn bó đời mình với vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Ông là một trong nhóm 10 chủ tàu của thành phố Phan Thiết thường xuyên khai thác xa bờ ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Trong số 50 người bạn đánh bắt cùng ông Trương Văn Toàn thì có hơn nửa là gắn bó với ông hàng chục năm nay. Trong những lần đánh bắt đó, đọng lại trong ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhất là những lần đụng độ với tàu nước ngoài, hay những lần đối mặt với sóng dữ, những cơn bão lớn.
Ngư dân Trương Văn Toàn (bên trái- hàng ngồi) trong lần gặp mặt giữa chính quyền với các chủ phương tiện khai thác xa bờ ở Bình Thuận. - Ảnh: VOV
|
Kể về những chuyến biển đụng tàu nước ngoài, ông Trương Văn Toàn cho biết vài lần đang khai thác ở bãi ngầm Phúc Nguyên (gần nhà giàn DK1) thì gặp tàu lạ, ông bình tĩnh báo lực lượng chức năng, liên lạc với các tàu trong nhóm, bảo đảm an toàn: “Trường hợp mình đánh vùng biển ranh giới chung, không xâm phạm vùng biển nước nào cả. Đây chỉ là vùng ranh giới chung nhưng các tàu nước bạn có vài trường hợp đi lấn vào ranh giới biển của nước mình thì anh em thông tin liên lạc với nhau, rồi mình cho tàu vào bên trong khu vực đất nước Việt Nam mình, để khỏi ảnh hưởng việc làm ăn.”
Để nâng cao hiệu quả đánh bắt và đặc biệt là bảo vệ nhau trong mọi tình huống thì các tàu đi chung nhóm với nhau trong từng tổ, đội liên kết. Ra tới gần các đảo, thì các tàu từ các tỉnh, thành khác nhau liên kết lại thành một nhóm lớn để vừa khai thác ngư trường, vừa bảo vệ lẫn nhau.
Ngư dân Lê Văn Bông kể về những lần va chạm với tàu nước ngoài. - Ảnh: VOV |
Gia đình ngư dân Lê Văn Bông, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết có truyền thống 5 đời bám biển, đến đời ông là đời thứ 4 nối nghiệp tổ tiên. Trước đây việc khai thác tại các vùng biển ít va chạm với tàu nước ngoài nhưng vài năm trở lại đây có bắt gặp các tàu lạ xuất hiện quanh khu vực này. Ông Lê Văn Bông cho biết: “Có nhiều lúc nó cũng có áp lực nó gây mình chớ. Tàu lạ chạy xà ngang xà ngửa mình chớ. Nhưng mà nó làm gì thì kệ nó, mình đánh bắt kệ mình, miễn nó đừng quậy phá mình là được. Biển mà mình đánh bắt cá là vùng biển của mình, mình cứ việc đánh bắt bình thường, không có lo gì hết.”
Tiếp bước truyền thống cha ông, các ngư dân trẻ cũng chấp nhận thiệt thòi, xa vợ xa con để vươn khơi trên những chuyến biển dài ngày. Anh Nguyễn Văn Tài, ngư dân ở thành phố Phan Thiết, kể: “Cuộc sống mình đi biển lâu ngày lâu tháng lênh đênh trên biển vất vả. Nhiều lúc thương vợ con ở nhà rồi cũng khó khăn, xa cách, một phần do làm ăn không có rồi những chuyện khác.”
Tuy còn vất vả khó khăn, nhưng vượt lên trên tất cả, những con tàu của ngư dân tỉnh Bình Thuận vẫn ngày đêm vươn khơi bám biển. Hàng ngày, các con tàu lại nườm nượp ra khơi vừa thúc đẩy khai thác hải sản vừa là hình ảnh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.