Người thầy khuyết tật hết lòng vì trẻ em nghèo

(VOV5) - Nếu đến thôn Yên, xã Kim Truy, huyện  Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình hỏi nhà thày giáo Bùi Văn Bình, thì ai cũng biết.

Đó là người thầy bị  khuyết tật nhưng đã hơn chục năm nay, thày hết lòng dạy học miền phí cho trẻ em nghèo. Bị bại liệt từ khi còn nhỏ. Bố mất sớm, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, thầy vẫn sống lạc quan và làm việc có ích cho đời. 

Người thầy khuyết tật hết lòng vì trẻ em nghèo - ảnh 1

Thầy Bùi Văn Bình, thôn Yên, xã Kim Truy, Kim Bôi, Hòa Bình. - Ảnh: hoabinh.tintuc.vn

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Từ năm 6 tuổi mồ côi cha, lên lớp 4, sau một trận sốt cao, thầy Bùi Văn Bình bị bại liệt. Năm lên lớp 10, mẹ thầy bỏ lại hai anh em anh để đi bước nữa. Đó là quãng thời gian sóng gió của cuộc đời.. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn ấy, chàng trai tật nguyền vẫn chăm chỉ học hành, đạt kết quả khá cao trong học tập.

Vào một ngày nọ, đôi vợ chồng người bạn không biết chữ dẫn con sang nhà nhờ anh dạy dỗ, kèm cặp. Thật không ngờ sau khi đạt kết quả học tập tốt, nhiều người đến nhờ thày dạy dỗ con em minh học tập và thày Bình gắn bó với lớp học tình thương từ đó.  

Cứ mỗi buổi sáng cuối tuần, Minh , cậu học sinh lớp 4 của trường liên cấp Kim Truy (Kim Bôi- Hòa Bình)  lại thức dậy từ sáu giờ sáng để sang nhà thầy Bình để học thêm. Tuy tám giờ lớp học mới bắt đầu, nhưng Minh vẫn dậy sớm để cùng mấy bạn giúp thầy Bình ngồi lên xe lăn. Cậu bé ăn nhanh bát cơm nguội mẹ phần tối qua, rồi đi bộ qua nhà thầy cách đó 1km. Trên tay cậu bé người dân tộc Mường là cuốn sách tiếng Việt. Sau 10 phút, cậu bé đã tới nhà thầy Bình - lớp học nhỏ của bao đứa trẻ trong làng và của cả những anh chị chúng. Khung cảnh lớp học ở nhà thầy Bình khiến mọi người hết sức cảm động. Thầy ngồi trên chiếc giường những đứa trẻ lứa tuổi khác nhau ngồi xung quanh nghe thày giảng giải hướng dẫn các cháu học tập.

Thầy Bình kể: Các em ở đây chủ yếu là người Mường, giao tiếp với nhau cũng là ngôn ngữ Mường, do vậy tiếng Kinh bọn trẻ nói vẫn chưa sõi. Mình dạy chúng nói tiếng Kinh, đến trường may ra chúng mới tiếp thu được bài học tiếng Kinh. Thày Bình chia sẻ: “Từ những em chưa biết đọc biết viết , qua quá trình thời gian thì các cháu làm được toán khó, biết đọc biết viết chữ , tôi rất vui, vui nhất là lúc có kết quả học tập tốt ở lớp , nhiều cháu được giấy khen. Nhiều cháu khi đến lớp báo cáo với bác ngay, không có đứa nào gọi là thầy đâu.”

Người thầy khuyết tật hết lòng vì trẻ em nghèo - ảnh 2Lớp học của thầy Bình. 

Mặc dù đi lại khó khăn, sức khỏe không ổn định, nhưng nhiều năm qua, lớp học của người thầy Bình chưa một ngày ngừng dạy, có ngày dạy tới 50 học sinh, phải chia làm nhiều ca. Chị Bùi Thị Hoa thôn Yên đưa con gái đến lớp học của thầy Bình chia sẻ: "Con gái tôi đang học lớp 4, trước khi đến lớp của thầy Bình nó học yếu lắm. Từ dạo tôi gửi đến học thầy Bình, nó tiến bộ hẳn lên. Năm ngoái cháu được danh hiệu học sinh tiên tiến. Từ ngày học thầy nó ham học hẳn, về nhà chịu khó giúp đỡ bố mẹ hơn. Ở thôn tôi ai cũng yêu quý và chia sẻ với hoàn cảnh của thầy."

Hơn 10 năm mở lớp, thầy Bình không đòi hỏi bất kỳ một đồng phụ cấp nào từ các bậc phụ huynh. Biết hoàn cảnh khó khăn của bà con dân bản nên ai mang con đến thầy cũng vui vẻ đón nhận. Thầy kể: Gia đình nào khá giả, có tháng họ gửi mình 50 hay 80 nghìn đồng gọi là tiền điện nước cho các cháu. Nhà nghèo thì biếu thầy rổ khoai, cân gạo, mớ rau... Mình bỏ công sức dạy các cháu cũng là niềm vui, mình bị bệnh tật thế này cứ ngồi không đầu óc cũng u ám. Ngồi dạy học có các cháu thì mình thấy tinh thần thoải mái. Còn chi tiêu với số tiền trợ cấp cho người tàn tật hàng tháng thì mình có bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu.”

Tại căn phòng nhỏ của thầy Bình ngổn ngang sách vở học sinh. Ba chiếc xe lăn, một chiếc thầy Bình đang sử dụng, 2 chiếc kia còn khá mới. Anh bảo, đó là xe của các tổ chức từ thiện tặng.Tiếng lành đồn xa nhiều tổ chức, cá nhân biết tin đã đến động viên, chia sẻ, giúp đỡ thày giáo giàu lòng nhân ái này

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác