(VOV5) - Báo cáo đánh giá Việt Nam nổi lên như điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia vì ít xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Công nhân làm việc tại xưởng cắt, CTCP May An Phát (Hoài Nhơn, Bình Định) - Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN |
Báo cáo "Châu Á: Các thị trường cần theo dõi năm 2023", do công ty toàn cầu về dự báo xu hướng WGSN, công bố hôm qua (6/6) cho thấy người Việt Nam lạc quan nhất về tương lai kinh tế của đất nước trong số các quốc gia châu Á.
Báo cáo chỉ ra 5 thị trường trọng điểm ở châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng tăng trưởng cho các thương hiệu và nhà bán lẻ trong năm nay, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ. Trong đó, Việt Nam được coi là thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực và người Việt Nam lạc quan nhất về tương lai kinh tế của đất nước, với khoảng 70% người trẻ thế hệ Millennials (những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996) tỏ ra lạc quan về tăng trưởng tích cực.
Báo cáo đánh giá Việt Nam nổi lên như điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia vì ít xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Các công ty công nghệ trong nước và dòng vốn đầu tư vào công nghệ sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ của khu vực. Báo cáo cũng dự đoán cùng với những cải tiến về cơ sở hạ tầng logistics thúc đẩy thương mại điện tử ước đạt 49 tỉ USD vào năm 2025, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á vào năm nay, với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế dự kiến là 6,2%.