(VOV5) - Dịch bệnh Covid -19 đã làm khó người Việt và cộng đồng thế giới trong suốt một năm qua và trong cả dịp Tết Tân Sửu này.
Nhưng Covid -19 càng làm lấp lánh những câu chuyện yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người Việt và cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam, trong dịp Tết và trong cả năm Canh Tý vừa qua.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
“Có rất nhiều câu chuyện cảm động trong thời gian đại dịch và khi nhìn vào đó tự nhiên mình thấy có thêm hy vọng. Cuộc sống này vẫn còn rất đẹp khi có tình thương yêu, đồng cảm với nhau”. Cao Thanh Hà nhận ra điều đó khi trở về trên chuyến bay cứu trợ của Chính phủ Việt Nam dành riêng cho công dân Việt Nam ở Hàn Quốc.
Trên chuyến bay đó có khoảng 20 em bé là con của những cặp vợ chồng người lao động Việt Nam ở Hàn quốc. Các em không đi cùng bố mẹ mà ở trong vòng tay những người không phải thân thích, họ hàng. Bố mẹ đã gửi các em cho những đồng bào may mắn được lên chuyến bay cứu trợ, nhờ họ đưa các em về Việt Nam ở với ông bà để tránh dịch.
Cao Thanh Hà chia sẻ: Những người Việt mà tôi gặp trên chuyến bay đó đều rất nhiệt tình, nhận bế giúp và chăm sóc các bé trên suốt chặng bay. Dù biết đó không phải là máu mủ ruột thịt nhưng họ vẫn dành tình thương cho đồng bào. Tôi cảm thấy rất nể phục và trân trọng những tấm lòng cao cả đó. Đấy là những câu chuyện giúp tôi có cái nhìn rất tích cực về cuộc sống. Dù đại dịch, dù hàng ngày trên thế giới nhiều mất mát về nhân mạng, dù kinh tế suy thoái, nhưng tôi cho rằng chỉ cần có tình thương với nhau rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua tất cả.
Trở về Việt Nam trong đại dịch hồi tháng 7/2020 cũng trên chuyến bay cứu trợ của chính phủ Việt Nam với người Việt ở Indonesia, bà Trương Tú Thủy có thời gian cách ly 2 tuần tại Trung đoàn 392, Quân khu 9, tại thành phố Cần Thơ. 14 ngày trong khu cách ly là 14 ngày bà cảm thấy thật sự bình yên và hạnh phúc.
Đối với bà, đó là những ngày đẹp đẽ, đầy yêu thương. Bà cảm phục và biết ơn các chiến sỹ quân đội không quản nắng mưa, sớm tối phục vụ cơm dẻo, canh nóng, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào yên tâm phòng dịch bệnh.
Bà Trương Tú Thủy- Ảnh nhân vât cung cấp |
"Hình ảnh các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam phục vụ bà con trong khu cách ly, trong các vùng dịch bệnh, hình ảnh những chiến sỹ áo trắng xung phong đi về nơi dịch Covid đang hoành hành để chữa bệnh cho bà con, đủ để một lần nữa chứng minh cho giá trị nhân ái của người Việt Nam trong đại dịch Covid. Đó là sự hi sinh cả bản thân mình vì sự sống của đồng bào, là truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” của ông cha ta để lại."
Sống và làm việc tại ở Việt Nam trong năm 2020, Kim Yoon-ji ban đầu cảm thấy vô cùng lo lắng, thậm chí là sợ hãi khi dịch bệnh bùng phát. Nhưng cô đã nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng dịch mà chính phủ Việt Nam đề ra, như là ở yên trong nhà để thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, tập trung chỗ đông người…
Kim Yoon-ji, cộng tác viên của chương trình phát thanh tiếng Hàn Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Việc Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh một cách triệt để, thậm chí đóng cửa biên giới, cho cô niềm tin rằng Việt Nam là quốc gia an toàn hơn bất cứ nơi đâu. "Trước hết phải nói là số ca nhiễm Covid 19 ở Việt Nam không nhiều như các quốc gia khác trên thế giới. Dù có phát sinh ca nhiễm nhưng theo tôi thấy, đa số là những trường hợp người đang sinh sống ở nước ngoài trở về Việt Nam.Việc người dân luôn có ý thức tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch mà Chính phủ đề ra nên giờ đây tôi cảm thấy an toàn và thoải mái khi sống ở Việt Nam."
Trên tuyến đầu chống dịch Covid trong năm Canh Tý, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu là người chứng kiến rõ nhất những câu chuyện yêu thương, đùm bọc, chia sẻ khó khăn và lo lắng cho nhau, động viên nhau cùng chiến thắng dịch bệnh của người Việt. Chính ông cũng được trải nghiệm trọn vẹn tình yêu thương của đồng bào dành cho mình sau những giờ làm việc vất vả cứu chữa bệnh nhân.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Báo Dân trí |
Ông nêu cảm nghĩ: "Tôi nghĩ là dịch xảy ra là điều không ai mong muốn nhưng chính từ đại dịch này chúng ta mới nhận thấy rằng tình người rất lớn. Đặc biệt là người dân Việt Nam có tấm lòng đoàn kết bao dung lắm. Cuộc đời bình thường thì thấy rất ít chia sẻ nhất là chỉ lo lắng bản thân không quan tâm chính trị, không quan tâm đến người khác. Nhưng ngược lại khi dịch bệnh, chiến tranh, ngoại xâm đến tấn công thì người dân khác lắm. Họ thay đổi, mở lòng và cùng siết chặt tình cảm đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau. Tôi cảm nhận được tấm lòng của người dân nước Việt trong đại dịch này."
Khi từ Việt Nam trở lại Indonesia, bà Trương Tú Thủy thực sự tự hào mỗi khi bạn bè Indonesia trầm trồ về công cuộc phòng chống Covid của chính phủ Việt Nam và sự bình yên và an toàn của người Việt trong đại dịch.
Bà Trương Tú Thủy cho biết: "Giờ phút này, khi tôi đang trò chuyện cùng các bạn thì cũng chính là lúc tôi và cộng đồng người Việt tại Indonesia và người dân Indonesia đang trong những ngày gian khó và nguy cơ lây nhiễm Covid 19 luôn thường trực quanh mình. Vì vậy, sự an toàn như người dân ở Việt Nam đang là niềm mơ ước của biết bao con người. Sự an toàn của công dân Việt Nam chính là câu trả lời sống động nhất, là kết quả của lòng nhân ái, tinh thần đùm bọc, yêu thương lẫn nhau và là minh chứng cho niềm tin của người dân với chính phủ."