(VOV5) - Được thành lập từ năm 2003, đến nay, Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa đã hỗ trợ nuôi dạy, giúp trên 200 em được học tập và trưởng thành.
Cùng với nỗ lực chắp cánh cho các em nhỏ người dân tộc thiểu số trên hành trình tìm kiếm con chữ, Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa, Dòng tu Nữ vương Hòa bình, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk còn giúp các em nhỏ nơi đây được tiếp xúc với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó khơi dậy ở các em sự yêu thích, trân trọng và mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa.
Em gái dân tộc Mnông tích cực học dệt tại khu nhà dài dành riêng cho nhóm dệt của Nhà lưu trú Têrêsa
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau 5 năm học và gắn bó với nghề dệt thổ cẩm ở Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa, H’Juel H’Long được giữ lại làm cô giáo dạy nghề cho các thế hệ đàn em. Vào mỗi buổi chiều, trong ngôi nhà thoáng mát dưới tán cây, khoảng 8-10 em nữ độ tuổi từ 10 đến 16 ngồi chăm chú bên khung dệt, người tập xếp chỉ, người tập se sợi, người thì tập tạo hình hoa văn. H’Juel H’Long chăm chú quan sát từng em, tỉ mỉ hướng dẫn để các em thực hiện đúng các thao tác, căng khung dệt cho chuẩn để đường chỉ dệt được đều và đẹp hơn. H’Juel cho biết đây không chỉ là công việc đem đến niềm vui, tạo ra thu nhập mà quan trọng hơn là giúp chị truyền lửa đến các em nhỏ khác và có thể lưu giữ lại nghề truyền thống.
H’Juel H’Long chia sẻ: "Khi học dệt được lâu rồi thì các Sơ tạo điều kiện cho tôi dạy lại cho các em nhỏ học luôn. Lúc mình học thì thấy là dễ hơn mình dạy tại vì khi dạy thì có những em khó tiếp thu cho nên phải kiên trì và sửa từng chi tiết, chỉ cho các em cách đếm sợi, cách nhả chỉ. Khi dạy thì cảm thấy rất vui và thú vị bởi vì có thể truyền đạt được cho người khác, họ cũng biết làm giống như mình, từ đó tôi có thể giữ lại nghề truyền thống của dân tộc mình”.
Được truyền lửa từ các thế hệ đi trước, em H’Vâng, 13 tuổi, dân tộc Mnông, ở xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cũng đang tích cực học dệt. Ngoài thời gian học văn hóa ở trường, vào các buổi chiều rảnh rỗi, H’Vâng tranh thủ đến khu nhà dài dành riêng cho nhóm dệt của Nhà lưu trú Têrêsa để được chị H’Juel hướng dẫn thêm. H’Vâng kể, trong gia đình em chỉ còn bà nội biết dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, bà đã già yếu, mắt kém nên rất ít khi ngồi vào khung dệt. Từ khi đến với Nhà lưu trú, được xem các chị em học dệt, em càng yêu thích và muốn tự tay mình dệt nên tấm thổ cẩm với hoa văn nguyên bản của người Mnông. “Em học dệt được hai tuần và cảm thấy khá thú vị nên xin Sơ cho học. Bây giờ thì có thể dệt được dây và hoa văn. Em có ước mơ khi mình biết dệt thành thạo rồi nếu mà lớn lên có thể ở lại đây dệt tiếp hoặc mở một tiệm nhỏ nào đó ở buôn làng và truyền dạy lại cho các em trong buôn làng" - H’Vâng cho biết.
Các em nam học chế tại nhạc cụ dân tộc
|
Ngoài dệt thổ cẩm, các em nhỏ ở Nhà lưu trú Têrêsa còn được học một số nghề khác như làm đồ mỹ nghệ, chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc. Mỗi buổi chiều, trong khuôn viên Nhà lưu trú có nhiều nhóm nhỏ với những hoạt động khác nhau, các em nữ học dệt thổ cẩm, thêu thùa, các em nam học chế tác nhạc cụ, làm đồ mỹ nghệ hay học đánh chiêng, đánh đàn. Hàng năm, Nhà lưu trú còn tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng với yêu cầu mỗi nhóm dân tộc phải hát bằng âm nhạc, ngôn ngữ và đánh bằng loại cồng chiêng đặc trưng của dân tộc mình.
Sơ Nguyễn Thị Thuận, Phụ trách Nhà lưu trú Têrêsa cho biết đây là một hoạt động nhằm giáo dục cho các em về bảo tồn văn hóa dân tộc. Theo đó, các sơ lựa chọn các em có năng khiếu theo từng lĩnh vực và tìm người về dạy, bồi dưỡng năng khiếu cho các em, giúp các em biết và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cùng với đó, các Sơ cũng cố gắng tìm kiếm nơi tiêu thụ các sản phẩm, hợp đồng biểu diễn tại các khu du lịch để tìm thêm nguồn thu nhập cho các em, tạo động lực cho các em yêu và giữ nghề. Theo sơ Thuận: “Các em có nhiều năng khiếu, đặc biệt là về âm nhạc và thẩm mỹ. Mỗi nhóm dân tộc khác nhau thì lại có những giai điệu đặc sắc riêng. Vì vậy, ở đây, chúng tôi muốn cho các em học và giữ lại được nét riêng; bảo tồn, phát triển và muốn cho thế hệ trẻ yêu thích, tự hào về di sản văn hóa độc đáo của mình, kế thừa các nghệ nhân và các em sẽ phát triển. Đó là tâm huyết của các Sơ ở Nhà lưu trú Sắc tộc Têrêsa này”.
Được thành lập từ năm 2003, đến nay, Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa đã hỗ trợ nuôi dạy, giúp trên 200 em được học tập và trưởng thành. Nhiều em sau khi tốt nghiệp đã học lên cao hơn, trở thành giáo viên, bác sĩ, nghệ sĩ. Hiện nay, ở Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa đang nuôi dạy 20 em từ lớp 1 đến lớp 12 thuộc 14 dân tộc khác nhau ở tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đây đều là những học sinh dân tộc thiểu số nghèo, hiếu học thuộc những buôn làng vùng khó khăn, không có điều kiện đến trường hoặc ở quá xa điểm trường để có thể đi học. Không chỉ được học văn hóa, các em còn được tiếp cận với bản sắc văn hóa và nghề truyền thống của dân tộc mình; qua đó, giúp các em nâng cao kiến thức văn hóa và khơi dậy tình yêu với bản sắc dân tộc, khát vọng giữ lại văn hóa truyền thống của cộng đồng mình.