(VOV5) - Với mong muốn giúp người khuyết tật tay có thể làm được việc, Phạm Huy, học sinh lớp 11A3, trường THPT Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, đã chế tạo thành công cánh tay robot dành cho người khuyết tật. Đây cũng là học sinh xuất sắc của Việt Nam vừa giành được giải 3 tại Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel Isef 2017.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phạm Huy sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, mảnh đất chịu nhiều hậu quả của chiến tranh và do địa hình phức tạp nên có nhiều vụ tai nạn bom mìn và giao thông xảy ra. Ngay từ nhỏ, em đã ấp ủ ý tưởng làm cánh tay robot giúp những người không may mắn được lắp cánh tay giả để làm được việc thuận tiện hơn.
Phạm Huy đã giành giải ba của cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế tại Califonia (Mỹ).(nguồn Internet) |
Phạm Huy chia sẻ năm lớp 8, em ngẫu nhiên xem một chương trình giới thiệu công nghệ khoa học ở Mỹ thiết kế và chế tạo một cánh tay robot gắn vào người khuyết tật bị cụt tay. Tuy nhiên để có một cánh tay với công nghệ sản xuất này, người sử dụng phải bỏ ra một số tiền rất lớn, trong khi đó hầu hết người khuyết tật là những người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ đó, Huy đã ấp ủ ý tưởng sẽ chế tạo cánh tay robot gọn nhẹ, dễ sử dụng và giá thành rẻ hơn cho người bị cụt tay: “Tay là một công cụ lao động sản xuất thiết yếu của con người.Trên thị trường đã có sẵn nhiều loại cánh tay khác nhau như cánh tay điều khiển bằng sóng cơ hay sóng não nhưng mà còn rất nhiều hạn chế, chỉ phục vụ cho người khuyết tật bị cụt một tay hoặc mất một phần tay, có giá thành cao nên em muốn tạo ra một cánh tay vừa có thể hỗ trợ cho người khuyết tật mất hoàn toàn cánh tay, đồng thời mất hoàn toàn hai cánh tay, đều có thể sử dụng với giá thành rẻ, phù hợp với đa số người khuyết tật.”
Phạm Huy với cánh tay robot trước ngày đi Mỹ dự thi - Ảnh: Quốc Nam |
Ý tưởng này trở thành hiện thực sau hai năm Phạm Huy đã mày mò, tìm nguyên vật liệu chế tạo sản phẩm và hoàn tất mô phỏng cánh tay robot. Để cánh tay robot sử dụng được, Huy và thầy giáo của mình đã mang cánh tay robot đi thử nghiệm trực tiếp trên người bị khuyết tật tay. Qua đó, thu thập ý kiến phản hồi của người sử dụng và tìm ra các lỗi còn hạn chế của sản phẩm rồi từng bước hoàn thiện.“Cánh tay robot”, sản phẩm sáng chế của Huy có điểm mới là sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra chi tiết phần vỏ trong thời gian ngắn với độ chính xác cao. Nguyên tắc hoạt động của Cánh tay robot là dùng các ngón chân để điều khiển ngón tay nhờ một bộ cảm biến nghiêng để người khuyết tật thực hiện cử chỉ úp ngửa bàn tay và co duỗi cẳng tay. Cánh tay Robot có thể cầm nắm được vật nhẹ như thìa nhôm, ly nước, nâng tạ co duỗi nặng 2kg, xách được vật nặng 11kg. Chi phí để làm cánh tay Robot chỉ hơn 3 triệu đồng. Nói về nguyên lý hoạt động của cánh tay, Phạm Huy cho biết: “Sau khi làm với một số người khuyết tật ở địa phương đã giúp em đưa ra các lỗi sai các hạn chế của cánh tay từ đó từng bước từng bước có thể hoàn thiện. Công nghệ không cao nhưng đã khắc phục được những hạn chế mà người ta chưa làm được. Ví dụ như nó có thể phục vụ cho người mất cả hai tay, có giá thành rẻ. Robot của em có thể sử dụng hai bàn chân để điều khiển hai bàn tay một lúc, hoàn toàn độc lập với nhau. Em tiếp tục nâng cấp các phần công nghệ và làm nó nhỏ gọn hơn, và có thể đưa nó vào cuộc sống phục vụ cho người khuyết tật.”
Với ưu điểm dễ sử dụng, có tính năng khá hoàn thiện và ý nghĩa nhân văn, giá thành lại rẻ và có thể dùng được cho người mất cả hai tay nên đề tài “cánh tay robot giúp người khuyết tật” của Phạm Huy đã được ban giám khảo là các nhà khoa học trên thế giới ở Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel Isef 2017 đánh giá cao. Vượt qua hơn 1.700 học sinh của nhiều quốc gia trên thế giới, tác phẩm Cánh tay robot dành cho người khuyết tật của em Phạm Huy đã đạt giải 3 cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế 2017 do Intel tài trợ. Với thành tích xuất sắc này, Phạm Huy là học sinh đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt thành tích quốc tế trong lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật.
hứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa trao bằng khen Bộ Giáo dục và Đào tạo cho Phạm Huy đạt giải ba khi tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế Intel Isef 2017. ( Thu Hiền/VOV) |
Trong buổi tuyên dương em Phạm Huy ở quê nhà, ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gửi gắm niềm tin đến những nghiên cứu của em Huy nói riêng và ngành giáo dục đào tạo của tỉnh nói chung: “Thành quả của em Huy và của nhà trường đạt được rất lớn. Khoa học bắt đầu từ con người và quay trở lại phục vụ chính con người, đó chính là giá trị nhân văn trong quá trình nghiên cứu. Chúng ta không bằng lòng, không tự mãn với những gì đạt được mà phải coi đây chỉ là bước khởi đầu quan trọng để phong trào này được đẩy mạnh hơn.”
Sau thành công ban đầu “cánh tay robot” này của Phạm Huy, không chỉ đem niềm tự hào về cho quê hương Quảng Trị, mà còn mở ra những hy vọng cho người khuyết tật tay, có cơ hội tiếp cận với cánh tay robot với giá thành rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Phạm Huy mong muốn với kiến thức tích lũy được, sẽ “truyền lửa” cho các bạn học sinh khác nghiên cứu và đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo có giá trị trong cuộc sống.