(VOV5) - Ngày 27/10 tại Hà Nội, tổ chức Hội thảo “Đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.
Ngày 27/10 tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và Tổng cục Phòng chống Thiên tai phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam (HelpAge International) tổ chức Hội thảo “Đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.
Theo bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế tại Việt Nam, biến đổi khí hậu và già hóa dân số là 2 vấn đề mà hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đang tìm cách thích ứng. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới theo đánh giá của Ngân hàng thế giới.
Làm thế nào để phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi trong quản lý rủi ro thiên tai là nhiệm vụ cần tập trung, bà Trần Bích Thủy cho biết: "Công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của tất cả các cấp, các ngành. Việc đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chỉ thành công nếu mỗi chúng ta, mỗi tổ chức thực hiện nội dung này trong các hoạt động, chương trình phòng chống thiên tai của tổ chức của mình. Người cao tuổi không chỉ là nhóm dễ bị tổn thương mà quan trọng không kém là làm thế nào để phát huy được nguồn lực người cao tuổi, thế giới đang coi đây là “nguồn lực bạc” đang ngày càng tăng trong xã hội già hóa hiện nay, nhằm mang lại lợi ích cho các bên, tiến đến một cộng đồng an toàn trước thiên tai và cho tất cả mọi người".
Hiện, Việt Nam đã có các cơ chế, chính sách quan tâm đến vấn đề người cao tuổi trong thiên tai. Tuy nhiên, trong bối cảnh già hóa dân số nhanh, dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp để công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả và thành công cần phải tính đến các nhu cầu đặc thù và tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi, vừa phải phát huy được các kinh nghiệm, năng lực và sự tham gia của người cao tuổi, đặc biệt ở cộng đồng "để không ai bị bỏ lại phía sau".