(VOV5) - Việt Nam là nước nông nghiệp nên có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng sinh khối.
Sáng 9/6, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường Năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM).
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Việt Nam là nước nông nghiệp nên có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng sinh khối.
Chính phủ Việt Nam hiện đang nỗ lực nâng cao tỷ trọng sinh khối trong sản xuất điện năng. Các cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển điện sinh khối đã được ban hành năm 2014 và sửa đổi bổ sung năm 2020 nhằm khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng điện sinh khối sản xuất đạt 2,1% Quy hoạch Phát triển Điện.
Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Đức, ông Joerg Rueger khẳng định dự án BEM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng tỷ trọng của năng lượng sinh khối trong nước. Số lượng các nhà máy điện sinh khối ngày càng tăng sẽ giúp Việt Nam đạt được Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).