(VOV5) - Bộ Ngoại giao cũng tham khảo của các bộ ngành, để kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Chiều 21/10, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tuyến, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đang khẩn trương làm việc với gần 80 đối tác để sớm chấp nhận hộ chiếu sức khỏe điện tử của Việt Nam, đồng thời có các chính sách phù hợp để hỗ trợ người nhập cảnh vào Việt Nam cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, hiện Việt Nam đang tạm thời công nhận hộ chiếu sức khỏe điện tử của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ và ngược lại cũng đã có một số quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 hoặc chứng nhận người mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh trong quá trình xét duyệt nhập cảnh: 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu mẫu chứng nhận tiêm chủng đến Bộ Ngoại giao. Theo đó những người mang giấy tờ của các nước này sẽ được sử dụng tại Việt Nam và được rút ngắn thời gian cách ly xuống 7 ngày theo quy định đã tiêm đủ 2 liều vaaccine hoặc mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng trao đổi với gần 80 đối tác để công nhận lẫn nhau chứng chỉ tiêm hoặc còn gọi là hộ chiếu vaccine. Bộ Ngoại giao cũng tham khảo của các bộ ngành, để kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy trình xét duyệt cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Liên quan đến các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Chính phủ cũng đang tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh, thành lập tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp và ban hành nhiều nghị quyết chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã hộ kinh doanh trong bối cảnh đang gặp khó khăn trong dịch COVID-19. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe và chia sẻ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp các nhà đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn và tạo lập môi trường bình thường mới nhằm khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, bảo đảm thông suốt giao thông trên toàn quốc, các tỉnh không ban hành các quy định không phù hợp.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tính đến ngày 20/09, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này khẳng định sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.