(VOV5) - Bộ sách nhằm cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất, thực tế nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại nhà.
Những năm gần đây tỉ lệ trẻ em Việt Nam có rối loạn phổ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng. Mặc dù đa số trẻ có thể hòa nhập và có một cuộc sống tương đối bình thường nếu được phát hiện và can thiệp sớm, nhưng ở nước ta rất nhiều trẻ còn được can thiệp muộn hoặc thậm chí không được can thiệp, đặc biệt là trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi. Đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên về lĩnh vực giáo dục can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ còn rất ít. Các cơ sở giáo dục chuyên biệt hầu như chỉ có ở các thành phố. Bố, mẹ và gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục can thiệp cho trẻ nhưng đa số các phụ huynh rất lúng túng vì thiếu kiến thức. Tài liệu hướng dẫn can thiệp giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam, đặc biệt là những tài liệu hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” không nhiều.
|
Trăn trở trước thực trạng đó, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm (cùng các cộng sự nhóm từ thiện Nhịp Cầu Yêu Thương) và NXB Phụ nữ đã chung tay xuất bản một bộ sách nhằm cung cấp cho các bậc cha mẹ, ông bà và người chăm sóc trẻ những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất, thực tế nhất, dễ áp dụng nhất để có thể hướng dẫn, giáo dục can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại nhà.
Series SÁCH CHO TRẺ TỰ KỶ xuất bản lần đầu gồm 5 cuốn, trong đó có 3 cuốn sách của các tác giả nước ngoài - những chuyên gia, huấn luyện viên có chứng chỉ quốc tế về can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ - được dịch sang tiếng Việt (Thúc đẩy giao tiếp – 300 trò chơi và hoạt động cho trẻ tự kỷ; Can thiệp phổ tự kỷ hằng ngày - Kết hợp giáo dục trong những hoạt động hằng ngày cho trẻ và gia đình; Hướng dẫn cha mẹ thực hành kỹ năng trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỷ - Thực hành kỹ năng vận động, phối hợp cảm giác, tự đi vệ sinh…) và 2 cuốn sách viết bằng tiếng Việt (Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình; Những đứa trẻ mộng mơ) của các tác giả Việt - những bác sĩ, chuyên gia tâm lý, chuyên gia can thiệp trị liệu đặc biệt… có nghiên cứu chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm điều trị và can thiệp cho trẻ tự kỷ.
|
Trẻ em chính là quà tặng của Thượng Đế, hay như dân gian vẫn gọi “con cái là lộc trời cho”, là những mầm sống chứa đựng biết bao ước mơ và hy vọng của ba mẹ chúng. Chăm sóc những em bé bình thường vốn đã không đơn giản. Nuôi dưỡng những em bé đặc biệt có lẽ là một “sứ mệnh” mà khó có ngôn từ nào diễn tả được hết ý nghĩa thiêng liêng của nhiệm vụ ấy.
Như chính tác giả Cara Kosscinski - chuyên gia trị liệu hoạt động đồng thời là mẹ của hai người con tự kỷ - tâm sự: “Khi mới bắt đầu sự nghiệp trị liệu hoạt động, tôi không ngờ rằng tôi sẽ trải qua câu chuyện của chính mình. Chứng kiến con mình lớn lên, tôi nhận ra con có những dấu hiệu rõ ràng và trầm trọng trong việc chậm phát triển kỹ năng xã hội và xúc cảm. Cậu bé dần dần bỏ lỡ tất cả các mốc phát triển của một em bé bình thường, có những cơn giận dỗi kinh hoàng và càng ngày càng xa cách. Bất lực và đầy lo lắng, tôi đem những câu hỏi của mình đi khắp nơi nhưng không nhận được câu trả lời. Khi đứa thứ hai ra đời, tôi biết cả hai con đều khác với các trẻ em cùng trang lứa. Không lâu sau, cả hai đều được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn cảm giác, bệnh lý ti thể, rối loạn nhai nuốt. Những năm tháng sau đó là chuỗi ngày sống chung với lịch trình trị liệu mệt nhoài, xen lẫn là những cảm xúc vui buồn. Tôi đã biết thế nào là cuộc sống cùng những đứa trẻ gặp khó khăn với những công việc tưởng chừng như đơn giản thường ngày. Tôi đã thực sự trải qua cảm giác hạnh phúc khi con chạm tới một dấu mốc nhỏ xíu và tan nát khi con từ chối hoặc chống cự. KHÔNG dễ dàng, nhưng có ai đó nắm lấy tay bạn, dẫn lối cho bạn đi là vô cùng quan trọng”.
Giống như những bàn tay dẫn lối, series SÁCH CHO TRẺ TỰ KỶ là những cuốn “cẩm nang” bổ ích cho nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở các vùng nông thôn ít có điều kiện tiếp xúc với Internet, những vùng chưa có các trung tâm giáo dục chuyên biệt cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ. Đồng thời những cuốn sách này cũng là những nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các cán bộ mới bắt đầu bước vào lĩnh vực can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ.