(VOV5) - Kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…
Ảnh minh họa - Nguồn: baochinhphu.vn |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành một số văn bản về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 và phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”.
Về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, mục tiêu là chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Đến năm 2030 duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên hiệp Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; chỉ số Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 50 nước đứng đầu. Kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…
Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030” đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Để đạt được các mục tiêu trên, giải pháp là hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ; truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời kỳ mới; tăng cường hợp tác quốc tế về sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý thông qua trao đổi, học tập kinh nghiệm.